Toàn hệ thống đang có 17 ngân hàng đang nắm giữ TPDN, trong đó 5 ngân hàng đứng đầu là MB, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB. Sự khủng hoảng của thị trường TPDN, bất động sản năm qua đã gây lo lắng rất nhiều cho cổ đông các ngân hàng này. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, cổ đông của hàng loạt ngân hàng đã bày tỏ nỗi lo về nợ xấu trái phiếu.
Cổ đông lo lắng vì dư nợ trái phiếu khủng
Tại ĐHĐCĐ của MB, nhiều cổ đông cho rằng, MB nắm giữ quá nhiều trái phiếu bất động sản, tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.
Trả lời, Phó tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh cho biết, ngân hàng không sở hữu TPDN của Hưng Thịnh, Trung Nam. Riêng với Novaland, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số dư TPDN của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như hồi đầu năm. Tổng quy mô cho vay và đầu tư trái phiếu Novaland tại MB không đến con số 10.000 tỷ đồng.
Cổ đông lo lắng vì dư nợ trái phiếu khủng, ngân hàng sẽ thận trọng đầu tư trái phiếu. |
Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên của Techcombank mới đây, nhiều cổ đông bày tỏ bất an khi ngân hàng có mức độ tập trung quá lớn vào TPDN và bất động sản. Trấn an cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho rằng, nợ xấu tín dụng bất động sản và TPDN tại Techcombank đang được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cũng cho hay, toàn bộ TPDN (13.186 tỷ đồng cuối năm 2022) của ngân hàng này đều có tài sản đảm bảo. Tất cả các dự án TPDN mà SHB đầu tư đều có dòng tiền tốt. Hiện, các nhà phát hành này đều thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng.
Thực tế, kể từ cuối năm 2022, số lượng ngân hàng đầu tư TPDN giảm so với đầu năm. 17 trên tổng số 28 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường nắm giữ gần 188.000 tỷ đồng TPDN, giảm 13%.
Xu hướng giảm tỷ lệ nắm giữ TPDN tiếp tục xuất hiện trong quý I/2023. Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, khối lượng TPDN nắm giữ tại ngân hàng này chỉ hơn 30.000 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 20.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings cho rằng, xu hướng nắm giữ TPDN giảm do gắn liền với hoạt động đầu tư mới suy giảm, hoạt động phát hành trái phiếu giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến nay và do hoạt động mua lại trước hạn diễn ra mạnh, nhất là đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong 3 tháng đầu năm nay.
Ngân hàng vẫn thận trọng với TPDN
Để giải quyết những nút thắt này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Trong đó, cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại TPDN đã bán trước đó (mà không cần chờ sau 1 năm như quy định cũ). Điều khoản này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành TPDN có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 (tập trung vào quý II và quý IV), qua đó doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia VNDirect cho rằng, với Thông tư 03, các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Mặt khác, Thông tư này một phần giúp tăng cầu trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN như Techcombank, MBBank (9% tổng tín dụng), VPBank (8%).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, doanh nghiệp rất mừng vì NHNN đã ban hành Thông tư 03, song ông đề nghị NHNN tiếp tục bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành để bảo đảm sự phù hợp với khoản 2, Điều 1, Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Trao đổi với VnBusiness, GS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc ban hành Thông tư 03 là quyết sách mạnh giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nữa những biện pháp để tạo sự minh bạch cho thị trường, và đặc biệt là rà soát các lỗ hổng về mặt thể chế.
Trong đó, chuyên gia này kiến nghị NHNN cần có các biện pháp giám sát, ngăn ngừa hiện tượng luân chuyển vốn trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại hoặc gián tiếp luân chuyển vốn thông qua các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… nhằm mục đích mua TPDN riêng lẻ do công ty liên quan của cổ đông ngân hàng phát hành.
Cùng với đó, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng áp hệ số rủi ro đối với TPDN mà tổ chức phát hành không được xếp hạng tín nhiệm cao hơn TPDN đã được xếp hạng tín nhiệm.
Huyền Anh