Chiều nay (18/4), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, đề ra mục tiêu tăng trưởng tham vọng. Đồng thời, trình các cổ đông thông qua như kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn điều lệ, chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài…
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định, những gì ban lãnh đạo dự kiến và trình bày với cổ đông, ngân hàng có đủ khả năng thực hiện.
Cụ thể, năm nay VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022 và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD, tăng trưởng lợi nhuận của VPBank là 53% nếu tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VPBank |
Ngoài ra, năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 39% lên 877.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518.000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 636.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Đặc biệt, năm nay ngân hàng dự kiến bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation, tương đương 15,005% vốn điều lệ VPBank sau phát hành. Giá chào bán là 30.159 đồng/cp. Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng. Thời gian dự kiến chào bán là quý II và quý III.
Chia sẻ thêm ông Vinh cho biết: “Ngày 17/4, chúng tôi đã nhận đặt cọc 10%, tương đương 3.590 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sau khi nhận được phê duyệt của NHNN và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn tất và đối tác chiến lược chuyển tiền tăng vốn”.
Việc hợp tác với SMBC giúp cho VPBank có lợi thế về vốn, củng cố về vốn chủ sở hữu, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng cường hoạt động cấp vốn tín dụng cho khách hàng.
Về việc mua lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, lãnh đạo VPBank khẳng định có tham gia chương trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém và là một trong 4 ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các TCTD thuộc diện chuyển nhượng bắt buộc. “Hiện tại việc này đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất phê duyệt nên tại thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ có thể thông báo như vậy”, ông Vinh cho hay.
Tuy nhiên, về việc có được nới room hay không, đại diện VPBank cho biết: theo đề án của NHNN có hai ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49%. Đề án nằm trong quá trình đang được thực thi nên chưa thể nói chi tiết hơn.
Về khó khăn của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Đức Vinh đánh giá, thị trường bất động sản đang nằm trong giai đoạn phát triển, trong quá trình đó có giai đoạn phát triển quá nóng, nhưng nó chưa đến mức khó khăn đến mức khủng hoảng hệ thống.
Tương tự, với thị trường trái phiếu, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, quy mô thị trường TPDN tại Việt Nam chưa lớn. Giai đoạn đầu, một số TPDN chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng. Năm qua, một số TPDN thực sự xấu đã ảnh hưởng tới thị trường chung, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu , người gửi tiền. Tuy nhiên, phần lớn trái phiếu trên thị trường vẫn đảm bảo, có khả năng trả nợ.
"VPBank cũng là một trong các ngân hàng tham gia tư vấn, phát hành TPDN và hỗ trợ khách hàng. Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp phát hành, người đầu tư gỡ dần khó khăn”, ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Huyền Anh