Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng của các trung gian thanh toán và Fintech tổ chức ngày 10/11, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA), cho biết thống kê hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp là công ty tài chính công nghệ (Fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending)…
![]() |
6 tháng đầu năm dịch vụ ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, 91,57% về giá trị. |
Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của VNBA. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các công ty này chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại nhưng cũng tạo áp lực và cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong nước.
"Trong những Fintech, có nhiều đơn vị vốn ngoại chiếm 60-70% và có cả những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và tạo áp lực cạnh tranh đối với đơn vị trung gian thanh toán trong nước. Họ sẵn sàng mua cổ phần của Fintech trong nước, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát lĩnh vực này", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Trong bối cảnh người tiêu dùng đã có cái nhìn tích cực hơn với các loại hình thanh toán điện tử, việc triển khai các hoạt động trung gian thanh toán vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đầu tiên là khó khăn trong việc triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng như: việc quy định khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và liên kết ví với thẻ ngân hàng gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. “Cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức trung gian tài chính, Fintech, ví điện tử… chưa rõ ràng, vẫn trong tình trạng khép kín và chưa thực sự mở”, ông Hùng nhận định.
Bên cạnh đó, VNBA cho rằng, vẫn còn một số quy định tại dự thảo của Ngân hàng Nhà nước quy định về cơ chế thử kiểm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) chưa phù hợp với thực tế.
Đồng tình, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech (đơn vị sở hữu ví điện tử Ngân lượng, Vimo), nhận định công tác xây dựng hành lang pháp lý cho sandbox đến giờ chưa thấy cập nhật hay bước tiến mới. Cần hành lang pháp lý cho lĩnh vực mới như cho vay ngang hàng để doanh nghiệp có cơ sở hoạt động và phân khúc này cũng có thể thu hút được sự sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp hay thu hút đầu tư của các quỹ trong và ngoài nước.
"Nếu thiếu sự đầu tư này, chúng ta đang chậm chân hơn so với khu vực, đặc biệt thiếu hành lang pháp lý khiến các doanh nghiệp đối diện với rủi ro nợ xấu tăng cao khi cho vay ngang hàng…", ông Bình nói.
Vì thế, các tổ chức trung gian thanh toán đề nghị cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác, trong đó cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, để giúp cho các trung gian thanh toán như ví điện tử kết nối vào hệ thống ngân hàng đơn giản, thuận lợi, giảm thiểu tốn kém về thời gian và nguồn lực có thể cho phép thông qua Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).
VNBA kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các Ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính Phủ đạt hiệu quả.
Kết quả giao dịch qua các dịch vụ trung gian thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,77% về số lượng, 42.60% về giá trị; dịch vụ Ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, 91,57% về giá trị; dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,10% về số lượng, 78,09% về giá trị; dịch vụ Hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,66% về số lượng, 16,94% về giá trị Cơ sở hạ tầng và công nghệ được các công ty chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet Banking là gần 325,41 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 17.067,08 nghìn tỷ đồng (tăng 62,50% về số lượng và 32,03% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020); tương tự số lượng giao dịch tài chính qua kênh Mobile Banking là gần 862,83 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 10.515,13 nghìn tỷ đồng (tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020). |
Thanh Hoa