Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, đến nay mới có BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh, số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay nhà ở xã hội cao hơn vay mua nhà thương mại?
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết dù ngân hàng đang tiếp cận nhiều dự án nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý, gây mất rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp khi thực hiện.
Nhiều khách hàng so sánh lãi suất ưu đãi thời gian đầu cho vay mua nhà thương mại tại một số ngân hàng thấp hơn lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. |
Bà Bình cho rằng các doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói tín dụng này bởi họ bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%. Hơn nữa, mức giá bán và người mua nhà lại do các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố nơi có dự án lựa chọn.
“Chỉ cần dự án chậm tiến độ thôi là chủ đầu tư sẽ không có lãi, nên họ không mặn mà với việc tham gia vào những dự án như thế này”, bà Bình nói.
Trong khi đó, nhiều người muốn tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng bày tỏ quan điểm lãi suất lên đến 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp ở đô thị. Chẳng hạn, trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng, với lãi suất 8,2%/năm thì người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng trong năm đầu tiên, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Thực tế, mức lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở thương mại đang được một số ngân hàng áp dụng trong thời gian ngắn còn thấp hơn cả lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, như Woori Bank (7,2%/năm), SHB, MBBank và Hong Leong Bank (7,5%/năm), Shinhan Bank (7,6%/năm); BIDV (7,8%/năm), Agribank và Vietcombank (8%/năm)…
Chị Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, được một số người thân giới thiệu có gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 5%/năm nhưng gần 2 năm nay, tôi vẫn chưa tìm được dự án nào có hỗ trợ gói vay này. Vừa rồi, tôi tìm hiểu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng lãi suất cho vay lên tới 8,2%/năm, còn cao hơn cả lãi suất cho vay mua nhà thương mại tại các ngân hàng. Trong khi thủ tục cho vay mua nhà thương mại thuận lợi hơn nhiều so với vay gói 120.000 tỷ. Vì vậy, tôi đang cân nhắc việc từ bỏ ý định mua nhà ở xã hội”.
Chưa kể, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình, chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
Lại lo 'ế' vốn
Nhìn từ gói tín dụng mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, với mức lãi suất 4,8-5%/năm cũng đang "ế" vốn, nhiều chuyên gia băn khoăn liệu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có đi vào “vết xe đổ” như một số gói tín dụng trước đó?
Theo tìm hiểu của VnBusiness, kế hoạch giải ngân gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 trong năm 2022 sẽ cho vay 6.800 tỷ đồng và năm 2023 là 8.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2022 chỉ giải ngân được 4.183 tỷ đồng với 11.545 khách hàng. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỷ đồng, nhưng danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn đến nay chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, như vậy còn "ế " gần 7.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đối với việc cho vay qua các tổ chức tín dụng được chỉ định, đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đều đã ban hành đầy đủ quy trình triển khai cho vay, nhưng lại chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù lãi suất.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội lý giải nguyên nhân giải ngân gói này chậm là do thiếu dự án nhà ở xã hội để thuê, mua; một số đối tượng đăng ký vay nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đánh giá nếu so sánh với gói tín dụng cho nhà ở xã hội theo Nghị định 100 thì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có vẻ gian nan hơn cho người vay vốn, bởi chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư và người dân vay vốn kém hấp dẫn hơn.
“Nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thay vì phải vay với lãi suất lên tới 8,2%/năm. Nên gói tín dụng 120.000 nghìn tỷ đồng có thể "bị ế" vì người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này phân tích, kể cả nếu vay được vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, sau thời gian ưu đãi, khi người vay phải thỏa thuận lãi suất với ngân hàng sẽ có rủi ro. Nếu phải trả lãi theo lãi suất thương mại bình thường thực sự là gánh nặng đối với bên vay khi đây đều là người có thu nhập thấp.
"Thông thường, số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng, nhưng với lãi suất sau thời gian ưu đãi có thể vượt mức 10%/năm, tiền phải trả cho ngân hàng rất nhiều. Vì vậy, gói hỗ trợ này chưa chắc đã thu hút sự quan tâm của người mua nhà", ông Hiếu nhận định.
Huyền Anh