Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ở nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2020. |
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, chứng khoán đầu tư không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Thêm nữa, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.
Xu hướng ngân hàng mua - bán chứng khoán đầu tư
Theo đánh giá của các chuyên gia, chứng khoán đầu tư theo quy định là các loại giấy tờ có giá, có rủi ro thấp và thanh khoản cao. Bao gồm: trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao.
Trong đó, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Đây là một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Chính vì vậy, trong năm qua hầu hết các phiên phát hành trái phiếu Chính phủ đều có có khối lượng giao dịch đạt 100%.
Điển hình, trong tháng 12/2020, thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX có diễn biến sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trên thị trường sơ cấp, thông qua 25 đợt đấu thầu được tổ chức tại HNX, các tổ chức phát hành đã huy động được tổng cộng 52.988 tỷ đồng trái phiếu, tăng 43,6% so với tháng trước. Còn thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 14.029 tỷ đồng/phiên, tăng 22,8% so với tháng trước và là mức lớn nhất trong năm 2020. Đặc biệt, tháng 12 có nhiều phiên giao dịch có giá trị giao dịch đạt tới 15.000 tỷ đồng/phiên.
Đáng lưu ý, trong các phiên đấu thầu nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, còn có trái phiếu doanh nghiệp, do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cố định ở mức cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi và có kỳ hạn.
"Đầu tư vào trái phiếu giúp các ngân hàng thu được các khoản lãi lớn từ chênh lệch giá mua - bán trái phiếu", một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Theo đó, đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn, hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu.
Bên cạnh trái phiếu, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn. Tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành nên gần như không có rủi ro, nhưng tất nhiên lãi suất cũng sẽ không cao. Vì vậy, ngân hàng ít đầu tư vào kênh này hơn.
Nhiều ngân hàng từ lỗ chuyển sang lãi
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới nhu cầu vay vốn sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập lãi thuần tăng thấp. Tuy nhiên, mảng chứng khoán đầu tư trở thành điểm sáng, giúp nhiều ngân hàng gia tăng lợi nhuận.
Trong quý IV/2020, Sacombank ghi nhận thu lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, tăng đến 515% so với cùng kỳ, đạt 120 tỷ đồng (lũy kế cả năm 2020, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 25%, đạt 91 tỷ đồng). Đây là 2 động lực chính giúp thu nhập hoạt động của Sacombank trong quý IV/2020 tăng 33%, đạt 5.016 tỷ đồng.
Tại VietBank, báo cáo tài chính quý IV/2020 cũng cho thấy, tác động từ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều mảng kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là điểm sáng duy nhất trong quý này khi báo lãi tăng 43% (252 tỷ đồng).
Trong khi đó, với VIB lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư là 47,39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 37,67 tỷ đồng.
Đặc biệt, một số ngân hàng bất ngờ chuyển từ lỗ sang lãi lớn. Hai trong số những ngân hàng ghi nhận mức tăng “khủng” từ mua bán chứng khoán là Vietinbank và BIDV.
Cụ thể, tại Vietibank ghi nhận lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến đạt 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ hơn 571 tỷ đồng. Còn BIDV lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cả năm 2020 tăng 215% đạt 1.514 tỷ đồng…
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần thừa nhận, nguồn thu từ lãi năm 2020 của ngân hàng không tăng cao như mục tiêu đầu năm do hoạt động cho vay chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay từ quý III/2020 nhận thấy thị trường chứng khoán và trái phiếu khởi sắc, ngân hàng chú trọng đẩy mạnh kinh doanh mảng này. Nhờ vậy, cũng góp phần đảm bảo mục tiêu lợi nhuận cả năm của ngân hàng đặt ra.
Liên quan đến hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào như hiện nay, một số ngân hàng có xu hướng tăng cường hoạt động kinh doanh chứng khoán nhưng phần lớn vẫn là các khoản đầu tư dài hạn vào các loại giấy tờ có giá, ít rủi ro như trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp lớn, có kết quả kinh doanh tích cực, từ đó đảm bảo an toàn nguồn vốn ngân hàng.
Thanh Hoa