Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022.
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng đột phá năm nay: Tổng tài sản đạt 697.000 tỷ đồng, tăng 27%; tiền gửi tăng 28%, tín dụng tăng 35%. Đặc biệt, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ năm 2022 của VPBank. |
Với kế hoạch này, một số cổ đông lo ngại siết tín dụng bất động sản (BĐS) có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay: Các chủ trương, chính sách của nhà nước là hết sức bình thường, khi thị trường phát triển quá nóng thì cần có các biện pháp kìm lại. Tuy nhiên, BĐS là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nói chung và đối với ngành ngân hàng nói riêng.
Hiện dư nợ BĐS chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ của VPBank. Dù vậy, cho vay người mua BĐS tiếp tục là một mảng quan trọng của ngân hàng. Việc cho vay mua nhà là cần thiết, tuy nhiên, đối với các khoản vay mua BĐS nghỉ dưỡng, các khoản vay mang yếu tố đầu cơ thì Ban lãnh đạo sẽ có các biện pháp kiểm soát.
"Năm 2022, kể cả thị BĐS có sự trầm lắng thì cũng chỉ ảnh hưởng nhỏ tới hoạt động của ngân hàng, sẽ được bù đắp bởi các mảng kinh doanh khác. Kế hoạch kinh doanh của ngân hàng hoàn toàn dựa vào tình hình chung", ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VPBank tự tin với các mục tiêu này và cho rằng các chỉ tiêu tăng trưởng đã được tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng. Trong quý I/2022, lợi nhuận VPBank đã lên tới 11.000 tỷ đồng. Tất nhiên, lợi nhuận quý I tăng mạnh là nhờ có khoản thu bất thường từ khoản phí trả trước bảo hiểm của AIA, song kết quả kinh doanh cốt lõi của ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt.
Về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, đây là một kênh huy động vốn rất quan trọng, đặc biệt là trong trung và dài hạn, Chính phủ cũng đã đưa ra thông điệp cần phát triển mạnh thị trường này. Việc các ngân hàng đang đóng vai trò chính trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp là điều hợp lý khi thị trường chứng khoán vẫn còn khá mới mẻ.
Đối với chúng tôi, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu cho các dự án BĐS là một phần quan trọng. Tại VPBank, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp ở mức khá cao, khoảng 40 nghìn tỷ, tương đương 11-12% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tất cả các trái phiếu này đều được thẩm định, đánh giá như một khoản vay trung dài hạn, đều có tài sản đảm bảo tốt.
Cũng tại đại hội, đánh giá về khả năng tăng vốn điều lệ thêm 76% lên mức gần 80.000 tỷ đồng, liệu có thành công không nếu thị trường chứng khoán không thuận lợi? Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, việc thị trường có thuận lợi hay không không ảnh hưởng tới việc tăng vốn của ngân hàng, trong năm nay chắc chắn sẽ tăng vốn thành công.
“Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm”, Chủ tịch VPBank nói.
HĐQT VPBank trình cổ đông thông qua phương án mua cổ phần tại CTCP Bảo hiểm OPES. Ngân hàng dự kiến mua từ 90 đến 100% vốn của công ty, giá mua không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty.
Ngoài ra, VPBank cũng muốn tăng góp vốn bổ sung vào công ty chứng khoán ASC, nâng tổng mức đầu tư vào công ty lên 20 nghìn tỷ đồng.
Thanh Hoa