Thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được một số ngân hàng đẩy mạnh với mục tiêu giành lấy thị phần và tăng trưởng lợi nhuận mà buông lỏng quản lý.
Chưa bao giờ các ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao như năm nay, thậm chí có nhà băng đặt mục tiêu tăng 40-65%. Nhìn vào con số này, các chuyên gia cũng như nhà điều hành lo ngại ngân hàng đang quay lại thời kỳ tăng trưởng nóng.
Tín hiệu quay lại tăng trưởng nóng?
Câu hỏi đặt ra là điểm tựa nào để các ngân hàng tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận tham vọng cho năm 2018?
Thông qua báo cáo kế hoạch kinh doanh trong năm 2018 có thể thấy hầu hết các ngân hàng đang có chuyển biến trong cơ cấu tín dụng. Thay vì tập trung vào bán buôn, các ngân hàng rầm rộ chạy đua bán lẻ. Thay vì “độc canh” tín dụng, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình tăng 20%/năm, trong những năm tới, dư địa tăng trưởng có thể đạt 25% – 30%/năm.
Cụ thể, sau khi tăng đến 50,2% trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh đến 65% trong năm 2017. Theo đó, tỷ trọng trong tổng dư nợ cũng tăng từ 12,3% lên 18%, tương đương với việc dư nợ cho vay tiêu dùng đang xấp xỉ mức 1,17 triệu tỷ đồng.
Biên độ lãi suất cho vay tiêu dùng cũng rất cao, các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động 20-25%/năm, mức lãi suất của công ty tài chính từ 55% đến trên 84%/năm. Điều này đã đóng góp lợi nhuận rất lớn cho các ngân hàng.
Chính vì vậy, thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được một số ngân hàng đẩy mạnh với mục tiêu giành lấy thị phần và tăng trưởng lợi nhuận mà buông lỏng quản lý.
Hiện nay, các khoản vay tiêu dùng thường lấy tài sản đảm bảo là chính sản phẩm khách hàng vay để mua, hoặc dùng tín chấp để vay.
Để đảm bảo an toàn, khi cho vay tín chấp, các ngân hàng thường tra cứu lịch sử tín dụng của khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh, một số ngân hàng bỏ qua khâu thẩm định này, sẵn sàng lôi kéo khách hàng, cho vay vượt hạn mức mà không quan tâm nhiều đến các khoản vay của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng khác.
Giới chuyên gia nhận định, việc các ngân hàng theo đuổi chiến lược bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ, giảm “độc canh” tín dụng là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý trong hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ đẩy ngân hàng vào rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp.
Lo ngại về chất lượng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, sau tốc độ tăng trưởng quá nóng trong thời gian qua, NHNN vừa có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD.
![]() |
Sau khi tăng đến 50,2% trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng đến 65% trong năm 2017 |
Ngăn ngừa vi phạm quy định pháp luật
Văn bản nêu rõ, để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi các khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tài chính và quyền lợi của khách hàng vay. Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
NHNN yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng đặc biệt thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như: Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng theo đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN.
Theo các chuyên gia, sự thận trọng của cơ quan quản lý đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ yếu tố tăng trưởng quá nóng mà còn từ thực tế phát sinh là các ngân hàng gần đây đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng, nhằm “lách” quy định hạn chế cho vay bất động sản.
Việc thị trường bất động sản, chứng khoán tăng trưởng nóng, có tốc độ sinh lợi cao trong thời gian qua có thể thu hút mọi nguồn vốn tập trung vào các kênh tài sản này, từ đó “bong bóng” tài sản được bơm dần lên. Đây là điều rất nguy hiểm, gây hại cho nền kinh tế nói chung và mục tiêu ổn định vĩ mô nói riêng.
Thanh Hoa