Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương), lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đứng đầu trong các ngành hàng có số vụ khiếu nại lớn nhất, trong đó chủ thể bị khiếu nại nhiều nhất là các công ty tài chính.
Bị khiếu nại nhiều nhất
Từ năm 2016 đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng được đẩy sang các công ty tài chính. Nhiều ngân hàng thương mại thông qua hoạt động mua lại đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh, thậm chí nhiều công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng”.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ năm 2017 đạt 18%, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp, khách hàng hay người tiêu dùng sẽ có lợi vì các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh tổng thể từ giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đi kèm… để chiếm được thị phần.
Ngoài xu hướng cạnh tranh về lãi suất, việc nới lỏng điều kiện và thủ tục cho vay cũng đang được các công ty tài chính áp dụng để lôi kéo khách hàng.
Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD đang có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp, có khả năng ảnh hưởng, nghiêm trọng tới quyền lợi NTD.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng là nhóm chiếm số vụ khiếu nại nhiều nhất (372 trường hợp, chiếm khoảng 37,68%), gấp 3,4 lần so với nhóm ngành hàng nhiều thứ hai là điện thoại, viễn thông.
Trong nhóm tài chính, ngân hàng, chủ thể bị khiếu nại tập trung vào các công ty tài chính, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho NTD sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý NTD…
Cho vay tài chính tiêu dùng bùng nổ trong những năm gần đây |
Nhiều chiêu lừa người tiêu dùng
Cụ thể, nhiều người không sử dụng dịch vụ của công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng nhưng liên tục bị “đòi nợ nhầm” hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực.
Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này là do các công ty tài chính tiêu dùng thẩm định hồ sơ không chặt chẽ.
“Nhiều công ty không thực hiện liên hệ số điện thoại do người vay cung cấp khi làm hồ sơ vay để xác nhận trước khi phê duyệt khoản vay. Hoặc có trường hợp khách hàng vứt bỏ sim khi không có khả năng trả nợ khoản vay nhưng công ty không thực hiện xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại, ngay cả khi người tiêu dùng đã đề nghị kiểm tra”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD nêu.
Ngoài ra, một trường hợp khác là công ty tài chính tiêu dùng mập mờ về lãi suất. Nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi giới thiệu gói lãi suất 0%, nhưng sau khi ký hợp đồng, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi 0% từ 1-3 tháng, sau đó lãi suất tăng lên đến 50%.
Bên cạnh đó, nhiều khiếu nại cho biết tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc nhanh chóng ký mà không để NTD đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để NTD lưu giữ hoặc không cho phép NTD sao chụp hợp đồng.
“Các hành vi nêu trên đều được xem là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Vì vậy, khi phát hiện hoặc khi gặp phải các tình huống tương tự, NTD cần cảnh giác, đồng thời chủ động phản ánh tới các cơ quan nhà nước để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết”, Cục Canh tranh và Bảo vệ NTD nhấn mạnh.
Cơ quan này khuyến cáo NTD trước khi thực hiện các giao dịch vay tín dụng tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về đơn vị cung cấp dịch vụ, loại dịch vụ, hợp đồng tín dụng. Lưu ý các thông tin: mức lãi suất hàng tháng, tổng số tiền phải thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan…
Khi bị “đòi nợ nhầm” cần ngay lập tức phản hồi cho đơn vị cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng kèm theo các tài liệu chứng minh (nếu có).
Bên cạnh đó, khách hàng cần liên hệ với cơ quan bảo vệ NTD, cơ quan thanh tra ngân hàng hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông để được hỗ trợ.
Huyền Anh