Trong đề xuất, góp ý dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến, từ đó kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trường hợp NHNN căn cứ vào Nghị quyết chung của Chính phủ để ban hành Thông tư liên quan đến các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, thực chất là nợ dưới chuẩn nhưng không bị phân loại nhóm nợ cao hơn thì nên quy định mang tính an toàn hệ thống (loại dự thu, trích dự phòng rủi ro 3 năm), còn lại các nội dung khác để các TCTD tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật vì không ai hiểu khách hàng bằng chính TCTD.
Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, đứt gãy dòng tiền, thậm chí là phá sản, dẫn dến có thể mất khả năng trả nợ ngân hàng. |
Nếu ban hành chi tiết sau này xảy ra nợ xấu toàn hệ thống thì việc ban hành chi tiết trong Thông tư không có lợi cho cơ quan ban hành chính sách vì không phải lỗi chủ quan của TCTD (do dịch bệnh). Do đó, NHNN nên xây dựng Thông tư nhằm quản lý mang tính an toàn hệ thống theo Luật NHNN, còn lại để TCTD chịu trách nhiệm theo các Luật: TCTD, Dân sự, Doanh nghiệp… (chắc chắn trong tương lai nợ xấu sẽ tăng rất cao, các TCTD ngày càng khó khăn kể cả khó khăn về thanh khoản…).
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc áp dụng cả 3 Thông tư (gồm Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư sửa đổi sắp tới) với nội dung cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có nhiều bất cập, khó khăn và có thể gây ra rủi ro pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quá trình cơ cấu nợ. Vì vậy, khi sửa đổi thông tư cần ngắn gọn, dễ hiểu, chỉ sửa nội dung chính, còn các nội dung khác không nên thay đổi hoặc chép lại nội dung Thông tư cũ, các nội dung khác theo nguyên tắc của Thông tư trước.
Theo NHNN, tính đến ngày 14/6/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 đến nay, các TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt doanh số 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, theo quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực lên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội và chưa biết khi nào dịch được khống chế, vì vậy, sau thời hạn 12 tháng sẽ có nhiều khoản vay chuyển sang nợ xấu.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên mức 2,5-3% vào cuối năm 2021 và việc trích lập dự phòng rủi ro có thể kéo dài trong 3 năm theo Thông tư 03/2021. Khi chất lượng tài sản xấu đi buộc ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Thanh Hoa