Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng) bảo lãnh 100% tín chấp cho doanh nghiệp, đồng thời có điều kiện mở, theo thủ tục rút gọn. Bởi, nếu cứ theo trình tự thì rất lâu, khi đó doanh nghiệp không còn cơ hội hồi phục.
Không thể hỗ trợ kiểu “rải thóc”
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM mong cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, bởi doanh nghiệp gần như đã kiệt quệ. “Nếu có gói cấp bù lãi suất từ ngân sách để giúp lãi suất cho vay giảm còn khoảng 4%/năm và ngân hàng thương mại triển khai trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch là cần thiết. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm thông qua gói này để triển khai, với quy trình hướng dẫn cụ thể cho các ngân hàng thương mại giúp doanh nghiệp được hưởng lãi vay giảm thực chất, có thể ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề trong dịch ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...", ông Việt kiến nghị.
NHNN khẳng định, nếu không ban hành kèm theo cơ chế đặc biệt, thì gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng không có tính thực tiễn. |
Theo các chuyên gia, gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng tuy chỉ tương đương 1% tổng dư nợ toàn hệ thống, song vẫn có thể tạo sự lan tỏa tốt. Vấn đề khó nhất là gói hỗ trợ có hạn, trong khi hầu hết các ngành hàng từ du lịch, hàng không, vận tải, thực phẩm… cho đến bất động sản đều đề nghị được vay vốn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi đặt vấn đề có gói cấp bù ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thì phải xác định có những doanh nghiệp không thể vay được vì "miếng bánh" quá nhỏ, nên việc lựa chọn đối tượng phải có mục tiêu.
Trao đổi với VnBusiness, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhắc lại năm 2009, một số doanh nghiệp không thiếu vốn nhưng vẫn lợi dụng chính sách này để vay vốn từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để thu về lợi nhuận, khiến việc hỗ trợ lãi suất bị méo mó. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, phát hiện việc cho vay không đúng đối tượng, buộc các doanh nghiệp đó phải hoàn trả số tiền cấp bù lãi suất.
“Điều quan trọng nhất khi thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này là phải lựa chọn được trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được các đối tượng ưu tiên, không nên hỗ trợ cào bằng kiểu “rải thóc”. Lần này, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 đã khá rõ ràng, từ doanh nghiệp lẫn địa bàn. Do vậy, gói tín dụng này có đối tượng trọng tâm, trọng điểm, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009”, vị này cho hay.
Ngân hàng cần cơ chế đặc biệt
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều sẵn sàng tham gia vào gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng, nhưng cũng thẳn thắn cho biết quy trình cho vay và kiểm soát rất phức tạp, nếu không có cơ chế đột phá, ngân hàng không dám cho vay.
“Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tham gia giải ngân gói tín dụng cấp bù lãi suất năm 2009, song cho đến tận hôm nay, một số khoản vay cấp bù lãi suất từ thời đó vẫn chưa được thanh quyết toán xong, rất mệt mỏi”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.
Thực tế, lâu nay dù nhiều gói vay lãi suất ưu đãi, kể cả cho vay cấp bù lãi suất được tung ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song ngân hàng không nới lỏng điều kiện vay. Lý do là ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi khoản vay, không được làm thất thoát ngân sách. Nếu cho vay dưới chuẩn, khả năng thu hồi vốn, bảo toàn ngân sách sẽ khó khăn và ngân hàng cũng phải đối mặt với nợ xấu tăng cao.
Điển hình, năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Hậu quả là thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, Chính phủ phải thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay: “Hiện nay, các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp trên cơ sở hiệu quả đầu tư (doanh nghiệp phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo và không có nợ xấu). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu áp dụng theo đúng tiêu chuẩn, thì chẳng doanh nghiệp nào tiếp cận được. Nếu không ban hành kèm theo cơ chế đặc biệt thì gói tín dụng ưu đãi này không có tính thực tiễn”.
Thừa nhận thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc triển khai gói tín dụng cấp bù lãi suất phải đưa ra đồng thời với các cơ chế đột phá, nếu không ngân hàng sẽ không dám triển khai. Nếu không có những lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có quyết sách đột phá, thì tình trạng “chết mòn” của doanh nghiệp sẽ còn kéo dài.
Huyền Anh