Tính đến ngày 31/7 đã có 27 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II, phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
"Điểm sáng" kinh doanh ngoại hối
Bên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính tăng khi tín dụng đi lên từ quý II, đặc biệt là trong tháng 6 thì thu nhập phí đã trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận của nhiều ngân hàng, với yếu tố đóng góp chính là mảng kinh doanh ngoại hối.
Điển hình, BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2024 với lãi sau thuế ghi nhận gần 6.534 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng mạnh các nguồn thu ngoài lãi.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho BIDV khoản lãi thuần lên đến 1.726 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế nửa đầu năm nay, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tại nhà băng này đạt 3.191 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm nay, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tại BIDV đạt 3.191 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tương tự, bên cạnh tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần nhờ sự hồi phục của nền kinh tế, LPBank cũng ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt 866 tỷ đồng trong quý II/2024, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối cao gấp 2,3 lần.
Tại Techcombank, mảng kinh doanh ngoại hối đã chuyển từ lỗ sang lãi.
Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý II/2024 đạt hơn 411 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm 2024, mảng dịch vụ này mang về cho Techcombank trên 955 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 240 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của SeAbank trong quý II/2024 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh ở mảng kinh doanh ngoại hối. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho SeABank khoản lãi gần 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt 33 tỷ đồng.
ACB cũng ghi nhận khoản lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong quý II/2024 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. MSB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, nhờ đó nâng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động lên trên 33,05%, cải thiện đáng kể so với mức 24,14% hồi cuối quý I.
Ngược lại, vẫn có nhà băng ghi nhận khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối, trong đó có NCB. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý II của NCB đạt hơn 49,6 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 303% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thu nhập từ kinh doanh ngoại hối lại giảm do biến động tỷ giá không thuận lợi.
Vì sao ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối?
Dù kết quả từ mảng kinh doanh ngoại hối có sự phân hóa lớn, nhưng đa số các ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt có sự tăng trưởng rất mạnh nếu so sánh với những năm trước đó.
Diễn biến này nằm trong bối cảnh thị trường ngoại hối nửa đầu năm nay chịu không ít áp lực, tiền đồng nhiều thời điểm chịu sức ép mất giá rất lớn.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2024, mức mất giá của VND vào khoảng 4,4%. Trong khi đó, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ dịch vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Đây là hoạt động có lợi nhuận ổn định, khi nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua - giá bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định.
Do đó, giai đoạn tỷ giá biến động mạnh là thời điểm thuận lợi và là cơ hội cho các ngân hàng "lướt sóng", kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Như trong năm 2022, chênh lệch mua bán USD tại các ngân hàng niêm yết có lúc tăng lên đến 280-300 đồng/USD. Còn năm nay, giá bán niêm yết trong nửa đầu năm thường xuyên cao hơn giá mua 350 - 400 đồng/USD, với mức giao dịch “khổng lồ” và chênh lệch giá mua và bán tăng cao như vậy, không khó hiểu khi các ngân hàng lãi lớn ở hoạt động này.
Đồng thời, lợi nhuận còn đến từ hoạt động mua - bán USD giữa các ngân hàng với NHNN.
Theo nhận định của các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng được dự báo tiếp tục sẽ khả quan trong 2 quý còn lại của năm 2024 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn từ quý III, khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên. Lãi suất huy động có tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp nên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành sẽ phục hồi nhẹ và góp phần vào tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Ngoài ra, những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thì càng có nhiều lợi thế ở hoạt động này, vì có lượng khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ thường trực rất lớn. Đặc biệt, với khách hàng doanh nghiệp thì trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải mua các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng này.
Điều đó cũng được ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank chia sẻ trong phần giải trình về sự biến động lợi nhuận sau thuế quý II/2024: Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh nhờ các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Bên cạnh đó, LPBank tích cực đồng hành cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng.
Huyền Anh