Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý I/2022 mà Bộ Tài chính vừa gửi tới Thủ tướng, cơ quan này đã điểm mặt một loạt doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, với những số liệu giật mình về tài sản bảo đảm, cũng như đường đi của dòng vốn.
“Bom nợ” trái phiếu lớn đến mức nào?
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%). Riêng trong quý I/2022, các doanh nghiệp đã chào bán 5.486 tỷ đồng trái TPDN ra công chúng.
Những bất ổn trên thị trường vốn như thời gian qua sẽ tạo áp lực cung ứng vốn lên "vai" ngành ngân hàng. |
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu để tăng vốn hoạt động, chiếm 44,49%; 19,10% trái phiếu phát hành để thực hiện dự án; 4,52% được sử dụng cho mục đích cơ cấu lại nguồn vốn; 29,29% khối lượng trái phiếu phát hành được sử dụng kết hợp các mục đích phát hành trên.
Đáng lưu ý, số lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo rất thấp, trong đó TPDN phát hành ra công chúng, chủ yếu là không có tài sản đảm bảo, chiếm 99% tổng khối lượng phát hành.
Báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh: thị trường TPDN xuất hiện nhiều rủi ro, nhiều cách thức "lách" quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ như: phát hành để chuyển vốn "lòng vòng" nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn; cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.
Đối với các doanh nghiệp phát hành, báo cáo cho thấy, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó có thể kể đến một số “ông lớn” như: Công ty Mediterranean Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần. Tương tự, Công ty Osaka Garden năm 2021 phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng, gấp 28,5 lần.
Ngoài ra, còn một loạt các doanh nghiệp bất động sản khác có lượng TPDN phát hành cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần, Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Residence cùng gấp 6 lần…
Siết TPDN, không thể đổ lên đầu ngân hàng
Với những bất ổn trên thị trường vốn, hiện nay cơ quan quản lý đã có động thái “siết” hoạt động của TPDN. Theo nhận định của các chuyên gia, động thái này là phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh, nhưng không thể tạo áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế sang ngành ngân hàng.
Về những vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA ) cho rằng, ngành ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Ví như, cơ chế chính sách cho TPDN không phải do ngành ngân hàng ban hành nhưng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khi họ thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm…
Ông Hùng nêu vấn đề: Theo quy định, doanh nghiệp đã niêm yết rồi thì 6 tháng phải báo cáo tài chính một lần. Vậy tại sao doanh nghiệp lỗ 6 tháng liên tục mà thị trường chứng khoán vẫn “tím trần”, điều này đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, liệu đã có những cảnh báo cho nhà đầu tư hay chưa? Vậy khi thông tin không đầy đủ và không chính xác, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cần nhìn rõ và nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp thỏa đáng.
Đối với trái phiếu riêng lẻ, đại diện VNBA đề nghị cần quản lý chặt, không thể cho phát hành “vô tội vạ” như thời gian qua.
Với những bất ổn trên thị trường vốn như thời gian qua, chuyên gia này lo ngại việc huy động và phát hành trái phiếu khó khăn, thị trường chứng khoán chưa ổn định dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trách nhiệm cung cấp vốn cho nền kinh tế lại đổ sang vai ngành ngân hàng.
“Cần phải xác định lại thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong đó, ngành ngân hàng là thị trường tiền tệ, cung ứng vốn ngắn hạn, còn thị trường vốn là chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cung cấp vốn trung dài hạn.
Nên không thể thị trường chứng khoán, TPDN có vấn đề để “đổ hết lên đầu” ngân hàng được, không thể vì thế mà yêu cầu ngân hàng phải nới room tín dụng, phải kéo dài Thông tư 22/2019/TT-NHNN về thực hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được. Ngành ngân hàng không thể thay thị trường vốn được”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Hơn nữa, theo ông Hùng, ngành ngân hàng Việt Nam khác ngân hàng các nước, là đang phải làm một lúc hai “vai”: ổn định thị trường tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Do đó phải tính toán việc bơm vốn ra thị trường liều lượng như thế nào để kiểm soát lạm phát, chứ không phải cứ thị trường vốn khó khăn là ngân hàng “nới room” được.
Thanh Hoa