Ngày 25/5, tại Hội thảo công bố Báo cáo thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm mạnh mẽ để cảnh báo về thị trường trái phiếu.
Nguy cơ vỡ nợ thấy rõ
Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến xu hướng bùng nổ thị trường trái phiếu gần đây là gì? TS Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu vấn đề: “Phải đặt ra câu hỏi: Tại sao phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với bất động sản sao thành công như vậy?”.
Ước tính vào cuối năm nay có khoảng 340.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán |
Theo ông Hoè, đây là câu chuyện giữa ông chủ nhà băng với công ty chứng khoán, công ty phát hành trái phiếu. Hiện nay có xu hướng các ông chủ bất động sản thâu tóm một vài ngân hàng, một số tập đoàn bất động sản mua lại ngân hàng để sẵn sàng trở thành kênh huy động vốn trái phiếu cho mình. Nên dẫn đến việc các doanh nghiệp bất động sản phát hành được rất nhiều trái phiếu.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng dẫn ví dụ: Có một ngân hàng (không tiện nêu tên) đứng ra làm đại lý phát hành, công ty chứng khoán của ngân hàng tư vấn, chi nhánh quản lý tài sản bảo đảm. Như vậy đã tạo thành quy trình khép kín, nhưng rất rủi ro cho cân đối tài chính.
Việt Nam đã có những tập đoàn tài chính, câu hỏi đặt ra là ngân hàng nắm giữ các công ty tài chính hay ngược lại? Câu chuyện ở đây là cơ chế giám sát và cơ chế vốn như thế nào? Chuyên gia này cảnh báo: “Nếu cứ buông lỏng như hiện nay, nguy cơ các tập đoàn tài chính Việt Nam sẽ trở thành chaebol - tập đoàn tài phiệt ở Hàn Quốc trong tương lai là hiện hữu".
Trong khi đó, nhận diện về rủi ro lớn nhất của thị trường tài chính Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, trước đây, Việt Nam không giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ một cách chặt chẽ, cụ thể nhưng từ khi có sự cố lại tìm cách siết, chặn lại và nguồn nuôi sống lĩnh vực bất động sản là trái phiếu đang bị chặn lại rất gấp gáp.
Ông Nghĩa phân tích, vốn từ trái phiếu rất quan trọng cho lĩnh vực bất động sản khi cung cấp vốn trung và dài hạn lớn hơn nhiều so với nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng cho lĩnh vực này. Nếu từ nay đến năm 2030 cần 1 triệu tỷ đồng vốn cho bất động sản thì vốn từ trái phiếu cho bất động sản sẽ tốt hơn là vốn tín dụng, bởi linh hoạt hơn rất nhiều.
"Trái phiếu không trả gốc hàng tháng, chỉ trả lãi. Trái phiếu doanh nghiệp có thể đảo nợ được nhưng tín dụng ngân hàng không đảo nợ được. Tôi cho rằng việc đến hạn có thể phát hành trái phiếu đảo nợ là việc hợp lý, vì thời lượng trái phiếu quá ngắn. Có những dự án 5-7 năm, trong khi kỳ hạn trái phiếu có 3 năm”, ông Nghĩa nêu.
Vấn đề đặt ra là lâu nay, cơ quan chức năng đã không giám sát thường xuyên, "đùng cái" xảy ra vài sự cố thì quay lại giám sát chặt. Việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bị đình trệ lại có tác động lớn cho các dự án. “Đối với các dự án bất động sản mới thời gian tới có thể tiếp cận được vốn nhưng lo nhất là các dự án cũ đang sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, không được phát hành tiếp hoặc được đảo nợ, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu là có thấy rõ", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Chưa kể, ước tính vào cuối năm nay có khoảng 340.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán, còn vào cuối năm 2023 là 270.000 tỷ đồng. Như vậy, tiền lấy ở đâu ra?
Nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại?. "Tôi không nói tất cả các ngân hàng thương mại sẽ gặp khó, nhưng tình trạng một số ngân hàng đang không khả quan. Chưa kể trái phiếu dồn vào một số tập đoàn "sân sau" của ngân hàng. Đây là nguy cơ rất lớn", ông Nghĩa cảnh báo.
Giải pháp nào cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Đề phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là thị trường này phải được phát triển minh bạch và có tính tự chịu trách nhiệm.
Hiện, Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra hàng loạt công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, việc thanh tra hàng loạt "là không tinh tế", đáng lẽ làm thường xuyên thì đã không xảy ra những vụ việc tiêu cực như thời gian qua.
Về các chế tài xử lý vi phạm, chuyên gia này nhiều lần nhấn mạnh không hình sự hoá các vi phạm kinh tế. Cần xử lý theo cơ chế thị trường, đặt lằn ranh mà doanh nghiệp, cá nhân tự chịu xử phạt về kinh tế. Bởi nếu hình sự hoá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. "Chúng ta buông lỏng quá mức việc quản lý, đến khi có sự việc phát sinh riêng lẻ thì hình sự hoá để giải quyết vấn đề. Tôi thấy cách này không ổn", ông Nghĩa nói.
Đồng thời, chuyên gia này khẳng định, thị trường chứng khoán là niềm tin và có yếu tố tâm lý nên cần cơ chế xử phạt sai phạm có tính răn đe, có lằn ranh và khiến doanh nghiệp không muốn vi phạm vì phải trả giá. "Ví dụ lũng đoạn thị trường 1000 tỷ thì mức phạt có thể lên tới 2000 - 3000 tỷ đồng. Đằng này lũng đoạn 1000 tỷ đồng mà phạt có 1,5 tỷ thì quá thấp", ông Nghĩa nêu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các định chế xây dựng thị trường, nếu thị trường xuống thì có định chế mua vào để thị trường lên, nếu thị trường lên quá nóng thì bán ra cho thị trường đi xuống. Đồng thời, tăng cường giám sát. Các báo cáo tài chính doanh nghiệp phải trung thực, hệ số nợ là bao nhiêu. Đặc biệt, cần có bảng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu ở Việt Nam.
Trao đổi thêm với báo giới bên lề hội thảo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng điều sống còn của thị trường này là xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải có định giá tín nhiệm, tức là phải được kiểm tra sức khỏe trước khi huy động vốn.
Để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, khuyến nghị cần có những chính sách kịp thời mà không can thiệp bằng biện pháp hành chính. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ngoài vốn từ hệ thống tín dụng, mỗi năm nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế cần tới 700.000 - 1 triệu tỷ đồng.
Thanh Hoa