Sau những phiên đầy bất an của chứng khoán, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” của trái phiếu doanh nghiệp, giới chuyên môn dự báo rủi ro trên hai thị trường này vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, nhiều người đã chuyển dịch dòng tiền sang kênh an toàn hơn.
Người dân đang gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,28%. Con số này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng trưởng dương cả trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ các năm trước sụt giảm 1-2 tháng do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán.
Các chuyên gia nhận định dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào ngân hàng khi lãi suất tiết kiệm dự báo sẽ còn tăng |
Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng ấn tượng, sau khi sụt giảm trong tháng 1 vì yếu tố mùa vụ thì đã tăng mạnh trở lại trong tháng 2 và 3. Riêng trong tháng 3, doanh nghiệp đã gửi ròng vào ngân hàng thêm gần 230.000 tỷ đồng. Theo đó, cuối quý I, tiền gửi của nhóm khách hàng này đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.
Bức tranh tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong những tháng đầu năm nay trái ngược với sự ảm đạm của năm 2021. Trước đó, trong năm ngoái, dưới tác động của dịch bệnh và môi trường lãi suất thấp, người dân kém "mặn mà" gửi tiết kiệm, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng nổi 1%. Thậm chí, trong quý III/2021, khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã liên tục rút ròng tiền gửi từ ngân hàng. Tính chung trong năm 2021, tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,08%.
Dưới góc nhìn của chuyên gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định các con số trong thời gian gần đây thể hiện tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Theo đó, tiền nhàn rỗi của dân cư đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm một phần do các tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất huy động. Việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng cũng vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả với nhiều người, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán có những biến động như vừa qua.
Còn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế tăng cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần phục hồi và phát triển sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Điều này khiến không ít doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và tiền vẫn buộc phải gửi tạm tại ngân hàng.
Dòng tiền dịch chuyển khi lãi suất huy động liên tục lên cao
Chứng khoán BSC nhận định, tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục trong năm 2021 là do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu và bất động sản thu hút hơn với khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất huy động tăng trở lại và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.
Về lý do các nhà băng đẩy mạnh huy động tiền gửi, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này xuất phát từ nhu cầu vay vốn tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không thể nới lỏng quá mức, bơm thanh khoản mạnh vào hệ thống khi lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng. Vì thế, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất trên thị trường 1 để duy trì dòng vốn phục vụ hoạt động cho vay.
Trong tháng 5, đã có nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, lãi suất cao nhất trên thị trường ghi nhận mốc cao mới. Cụ thể như tại SCB, mức lãi suất cao nhất là 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online và không yêu cầu số tiền gửi lớn, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng đã nâng lãi suất lên trên 7%/năm như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank… Ở nhóm ngân hàng lớn, VPBank, Sacombank, SHB cũng có lãi suất xấp xỉ 7%/năm.
Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, trong quý I, nhiều nhà băng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi rất mạnh. VPBank là ví dụ điển hình khi lượng tiền gửi tăng đến 13,4%. Hay như tại HDBank là 9,9%, TPBank ghi nhận lượng tiền gửi tăng 9,3%, còn SCB là 9,1%…
Dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, lãi suất huy động trong quý I/2022 tăng trung bình 0,03 điểm % so với quý IV/2021. Trong đó, lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại Techcombank (0,29 điểm %), VPBank (0,19 điểm %) và TPBank (0,14 điểm %). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất.
Nhìn nhận ở góc độ ngân hàng, chia sẻ với báo giới, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc VietCapitalBank nhận xét, rõ ràng năm 2021 và quý I/2022, dòng tiền lớn bị hút vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tuy nhiên từ đó đến nay, sau những diễn biến của thị trường, những biện pháp quản lý Nhà nước siết chặt kỷ luật thị trường trái phiếu, cổ phiếu và giá cả bất động sản đã ảnh hưởng nhất định đến lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thương mại. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang gửi tiền ở ngân hàng thương mại trong thời gian đánh giá lại thị trường và chờ đợi cơ hội đầu tư mới theo sự phục hồi của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao hậu Covid-19 cũng như áp lực lạm phát trên toàn cầu, lãi suất huy động sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán VCBS dự báo lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 điểm cơ bản trong cả năm 2022.
Huyền Anh