Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 2.386 nghìn tỷ đồng, tức tăng 1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 4.099 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Các ngân hàng cơ cấu, giãn hoãn nợ cho khách hàng để tiếp tục đẩy khoản vay mới ra nền kinh tế. |
Trong khi đó, Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 1/8/2021 đạt 2.681,49 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 1/8/2021 đạt 3.029,25 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá về tình hình tín dụng tại hai thành phố này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng tăng trưởng đều trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội là nhờ ngành ngân hàng tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, các ngân hàng đã triển khai hiệu quả Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp… nhằm đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Dòng vốn ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo đó đã chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Chẳng hạn, về cơ cấu tín dụng tại Hà Nội, chủ yếu tập trung tại dư nợ cho vay, đạt 2.171 nghìn tỷ đồng, chiếm 91% trong tổng dư nợ, tăng lần lượt 1,1% và tăng 9,2% so với tháng trước và so với cuối năm ngoái. Xét về cơ cấu theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 967 nghìn tỷ đồng; dư nợ trung và dài hạn đạt 1.419 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-8%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Huyền Anh