![]() |
Các ngân hàng muốn cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn. (Ảnh: Int) |
Tại cuộc họp để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Nhu cầu vay sẽ tăng nhanh
Chiều 13/7, Sacombank chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Song song với quyết định giảm lãi suất mới nhất, Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ này được Sacombank áp dụng từ ngày 18/6 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Theo nhận định, trong những ngày tới sẽ có thêm hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Động thái này được nhìn nhận là sẽ giúp kích thích nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, hiện nay, một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng khá cao trong 6 tháng đầu năm như: Vietcombank, VietinBank, MB, ACB. Đơn cử, Vietcombank tăng trưởng tín dụng gần 9% - gần gấp đôi so với mức bình quân toàn ngành; VietinBank đạt 4,8%, tương đương 2/3 room tín dụng cả năm. Một số ngân hàng khác cho biết đã tiệm cận room tín dụng được giao ngay từ tháng 4, như: ACB, HDBank, SeABank…
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm, NHNN đã giao xong chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Theo đó, trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn, Agribank, BIDV và VietinBank được cấp room từ 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần như: VIB, ACB, Sacombank được giao là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%...
Vì vậy, tại cuộc họp mới đây, các ngân hàng đã đề nghị NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Đề xuất nới room tín dụng
Ngân hàng cạn room, nên đối tượng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là rất hạn chế. Do chỉ tiêu cho vay đã hết hoặc không còn nhiều, nên việc cắt giảm lãi suất sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Vì vậy, để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tính toán kỹ dựa trên 2 yếu tố, đó là giảm được lãi suất huy động vốn và đảm bảo được nguyên lý hình thành lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng này được giao chỉ tiêu tín dụng là 10,5% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm.
Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là mong muốn của nhiều ngân hàng khác. Tại cuộc họp, đại diện BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị NHNN nhanh chóng cấp thêm chỉ tiêu cho các nhà băng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hằng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.
Có thể thấy, mặt bằng room tín dụng được NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn tổng thể các năm trước. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, mà mấy năm vừa qua, NHNN thường cấp hạn mức tín dụng ban đầu ở mức thấp. Theo đó, NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Sau đó, thường là trong nửa cuối năm, NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng khi có nhu cầu, song mức điều chỉnh căn cứ trên diễn biến của nền kinh tế và hoạt động thực tế cũng như “sức khỏe” của các ngân hàng.
Trong bối cảnh các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19; đồng thời, kinh tế phục hồi, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm và “sức khoẻ” các nhà băng ngày càng được củng cố vững chắc, có thể số lượng các ngân hàng được nới room tín dụng năm nay sẽ nhiều hơn những năm trước.
Huyền Anh