Huy động vốn toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm đạt 3,13%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 5,47%. |
Tại Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020.
Tính đến thời điểm 21/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%).
Đáng chú ý, tới thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cao hơn khá nhiều, đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã trở lại trong quý I/2021, khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, dù dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Trong khi đó, tổng huy động vốn vốn nhàn rỗi vào ngân hàng có phần tăng chậm hơn.
Nguyên nhân do lãi suất tiết kiệm hiện giảm mạnh so với đầu năm ngoái khi Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm trong năm 2020. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống 4%/năm; với kỳ hạn 6 - 13 tháng, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành lãi suất trên nền giảm lãi suất điều hành 3 lần năm 2020. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.
Trước lo ngại về thanh khoản ngân hàng, ông Tú khẳng định, thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào và NHNN sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hiện nay.
T.Hoa