Đây là số liệu được Tổng cục thống kê công bố trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 9/6 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, chỉ trong vòng 11 ngày tín dụng đã tăng thêm 0,36%.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6 đạt 8,51%, gấp 2,8 lần so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%) |
Đây là mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm khi nhu cầu tín dụng hồi phục sau đại dịch. Đến thời điểm 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm 2021 tăng 3,48%).
Đáng chú ý, tới thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%) trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cao hơn gấp 2,1 lần tốc độ huy động vốn (8,51%).
Chia sẻ với báo giới mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng tăng trưởng cao là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.
Hy vọng gói hỗ trợ lãi suất 2% và các gói hỗ trợ khác trong chương trình 350.000 tỉ đồng được triển khai tích cực cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế được tốt hơn.
Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, ông Tú thông tin trên cơ sở kiểm soát lạm phát, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp, những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… để khôi phục nền kinh tế.
Những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không... trong 2 năm qua cũng sẽ được tập trung vốn để có thể sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Còn một số lĩnh vực nhạy cảm có hệ số rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán tín dụng cũng sẽ tiếp tục được kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngân hàng cho biết đã cạn room tín dụng. Do đó, để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng đủ điều kiện, các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới room cho các tổ chức tín dụng lớn để triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thông suốt, hiệu quả.
Thực tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn. Mới đây các chuyên gia công ty chứng khoán SSI đưa ra kỳ vọng có thể vào cuối quý III/2022 một số ngân hàng sẽ nhận thêm room tín dụng và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Còn Công ty chứng khoán Agriseco kỳ vọng sẽ có đợt nới room tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý thời gian tới cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt và hệ số LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) còn nhiều dư địa tăng trưởng sẽ có thể được nới hạn mức cao hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường cổ phiếu, tính đến giữa tháng 6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 19.563 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.649 tỷ đồng/phiên, tăng 0,2% so với bình quân năm trước. Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 15/6/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.718 tỷ đồng/phiên, giảm 0,9% so với tháng trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.986 tỷ đồng/phiên, giảm 3,7% so với bình quân năm 2021. |
Huyền Anh