Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật dữ liệu thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) chốt năm 2018 cho thấy, trong khi quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng đáng kể và chiếm phần lớn trong hệ thống nhưng vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước gần như không tăng.
Tỷ lệ CAR chỉ đạt 9,52%
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng tăng vốn cấp 1.
Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh lớn nhất – nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế và là nơi tỷ lệ CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020.
Tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản có toàn hệ thống đã đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng 11 và tăng 10,62% so với mức đạt được hồi cuối năm 2017.
Trong đó, tổng tài sản có của khối NHTM nhà nước (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương) dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,95%), đạt gần 4,9 triệu tỷ đồng nhưng có mức tăng trưởng chậm nhất trong các nhóm, với mức tăng 6,42% so với cuối năm trước.
Nhóm NHTM cổ phần có tổng tài sản tăng 13,07%, lên mức gần 4,6 triệu tỷ đồng; trong khi nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng ghi nhận tài sản có tăng tới 19,12%, lên 1,1 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng đáng kể và chiếm phần lớn trong hệ thống thì vốn điều lệ của khối NHTM nhà nước hầu như không có thay đổi trong năm qua, ở mức 147,89 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn của nhóm NHTM cổ phần lại tăng tới 24,42%, đạt 267,2 nghìn tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 113,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,49%; nhóm công ty tài chính, cho thuê đạt 26,4 nghìn tỷ đồng, tăng tới 17,24% so với cuối năm trước.
Như vậy, cả quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của khối NHTM nhà nước tính đến cuối năm 2018 thấp hơn nhiều so với nhóm NHTM cổ phần, nhưng quy mô tổng tài sản lại cao hơn.
Sự "lệch pha" giữa mức tăng trưởng vốn và tổng tài sản khiến CAR của khối NHTM nhà nước chỉ ở mức 9,52% vào cuối năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức 11,24% của khối NHTM cổ phần. Đây cũng là điểm hạn chế sức tăng trưởng trước mắt các chỉ tiêu kinh doanh nói chung ở khối này.
Lo lắng lớn nhất của các NHTM nhà nước là tăng vốn |
Sức ép khó gỡ
Cũng theo thống kê, trong năm 2018, NHNN siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, giúp tỷ lệ này của toàn hệ thống tính đến cuối năm ở mức 28,41%, trong đó của nhóm NHTM nhà nước là 30,7%, nhóm NHTM cổ phần là 32,67%, nhóm công ty tài chính, cho thuê là 34,9%.
Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020 đã được đề cập rất nhiều trong 2 – 3 năm trở lại đây.
Nếu như các ngân hàng cổ phần tư nhân đã nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua, điển hình như VPBank, Techcombank, MB, OCB, VIB…, thì các NHTM nhà nước vẫn đang trong vòng xoáy khó tăng vốn.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng có vốn nhà nước hiện phải tuân thủ nhiều hơn các quy định quản lý so với các ngân hàng tư nhân, chính là rào cản khiến việc tăng vốn trở nên khó khăn.
Điển hình trong số các quy định này liên quan đến việc phân bổ lợi nhuận. Thực tế, thời gian qua, các NHTM nhà nước ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, có thể nói dẫn đầu ngành ngân hàng với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm, nhưng cũng không giúp khả năng tăng vốn của khối này hơn được chút nào do vướng rào cản từ quy định.
Nếu như ngân hàng tư nhân có thể dễ dàng được cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu thì các ngân hàng có vốn nhà nước lại không. Ba năm qua, cả BIDV, Vietcombank và VietinBank đều phải chi nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm để trả cổ tức bằng tiền mặt cho Nhà nước dù rằng vấn đề tăng vốn đã vô cùng cấp bách.
Hơn nữa, giới hạn về sở hữu nhà nước tại các ngân hàng (tối thiểu là 65%), chẳng hạn như VietinBank, cũng gây khó khăn trong việc gọi vốn.
Ngoài ra, quy định không được bán vốn dưới giá trị thị trường cũng làm đau đầu các nhà quản lý của những nhà băng đang chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, điển hình như Vietcombank.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mối quan tâm và lo lắng lớn nhất hiện nay của các NHTM không phải là nợ xấu mà là tăng vốn, bởi nếu tiềm lực tài chính mạnh thì nợ xấu cũng dễ dàng được xử lý.
Ngoài ra, tăng vốn còn giúp các ngân hàng đáp ứng hàng loạt quy định khác trong hoạt động, đặc biệt là sẽ được NHNN cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng…
Hoàng Hà