Theo giới chuyên gia, sức hấp dẫn của thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn rất lớn đối với nhà đầu tư ngoại. Việc đến và đi của các nhà đầu tư ngoại vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam là chuyện bình thường, chủ yếu phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh nhà đầu tư.
Nhộn nhịp kẻ đi, người đến
Từ đầu năm đến nay, những thông tin về các thương vụ mua bán – rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong mảng ngân hàng trở nên dày đặc hơn. Bên cạnh việc hàng loạt nhà băng trong nước đã hoặc đang lên kế hoạch để bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, cũng có một số đối tác ngoại rút vốn khỏi ngân hàng Việt.
Trường hợp rút vốn mới đây nhất là Tập đoàn Société Générale (Pháp) đang sở hữu 20% cổ phần của SeABank và là cổ đông chiến lược của ngân hàng này. Sau 10 năm, cuộc "hôn nhân" này đã chính thức "đường ai nấy đi". Hiện, SeABank không có cổ đông nước ngoài và cổ đông nhà nước.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng Việt cũng ngậm ngùi "chia tay" đối tác ngoại như trường hợp của Standard Chartered bán hơn 154 triệu cổ phiếu của ACB và không còn là cổ đông; hay như trường hợp cổ đông ngoại BNP Paribas chính thức thoái toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu của OCB, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của ngân hàng…
Không phủ nhận luôn có những cuộc "chia tay" với các đối tác nước ngoài, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn đang tạo ra một sức hấp dẫn nhất định.
Ngay đầu tháng 3/2019, thị trường đón nhận thông tin chính thức về việc BIDV bán 15% vốn cho đối tác Hàn Quốc KEB Hana Bank. Tiếp đến, ngày 12/3, Techcombank công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi công ty quản lý Quỹ Warburg Pincus LLC.
Gần đây nhất là việc TPBank và Quỹ đầu tư PYN Fund Management đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần, theo đó PYN Elite Fund sẽ sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn tài chính nước ngoài cũng "ngỏ lời" muốn sở hữu cổ phần ngân hàng Việt như: Tập đoàn Jardines Matheson, Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC), Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Tập đoàn Mizuho (Nhật Bản), NongHyup (NHFG) của Hàn Quốc…
Bình luận về các thương vụ hợp và tan giữa ngân hàng Việt và đối tác ngoại, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng nhà đầu tư ngoại thường có lý do riêng khi tiến hành đầu tư vào một tổ chức nào đó, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục tiêu củng cố hình ảnh hoặc là cách thức thâm nhập một thị trường mới…
Nhiều nhà đầu tư ngoại mong muốn mua cổ phần của ngân hàng Việt |
Sức hút lớn
Trong đó, việc bán vốn của một số nhà đầu tư ngoại có nhiều nguyên nhân, song về cơ bản là do chiến lược đầu tư của họ đang thay đổi, hay đơn giản là có thể sau một thời gian dài hợp tác, nếu hai bên không giải quyết được các bất đồng phát sinh hoặc tìm được tiếng nói chung, hoặc cũng có thể vì hiệu quả kinh doanh không như mong muốn thì cuộc "hôn nhân" đó sẽ đổ vỡ.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư ngoại cũng thay đổi. Thay vì đầu tư dàn trải, nhà đầu tư sẽ tập trung phát triển ở các thị trường là thế mạnh của họ, các thị trường có quy mô và tạo ra tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng mẹ.
Vì vậy, đi ngược với xu hướng trên, vẫn có nhiều nhà đầu tư ngoại muốn được sở hữu cổ phần ngân hàng Việt. "Những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển và quản trị lành mạnh vẫn có khả năng thu hút được vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài", ông Hải nhận định.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành ngân hàng cũng ngày càng hấp dẫn, khi chính sách điều hành tiền tệ chủ động, linh hoạt, nhờ đó kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong những năm qua có nhiều điểm sáng.
Đặc biệt, lợi nhuận của ngành ngân hàng ngày càng tăng trưởng cao, trong đó mảng bán lẻ với biên lợi nhuận cao dự kiến tiếp tục phát triển mạnh, các nguồn thu phí dịch vụ ngày càng tăng trước nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng ngày càng lớn của doanh nghiệp và người dân.
"Những yếu tố trên sẽ là "lực hút" khiến các nhà đầu tư ngoại không thể bỏ lỡ cơ hội sở hữu cổ phần ở ngân hàng Việt nhằm gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu của mình", một chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, chủ trương thoái vốn mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng bằng việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51% cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Huyền Anh