Cổ đông nhiều ngân hàng quan tâm đến mảng kinh doanh bancassurance. |
Đóng góp vào “bức tranh” lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua không thể không nhắc tới thương vụ bắt tay với bảo hiểm đã giúp các ngân hàng kiếm hàng nghìn tỷ đồng. Dự báo thời gian tới cuộc chạy đua phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng (bancassurance) đang ngày càng khốc liệt, trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các ngân hàng.
Cổ đông quan tâm
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã mở màn cho "mùa đại hội" năm 2021 của các ngân hàng sau khi một số ngân hàng quyết định lùi lịch.
Bên cạnh hàng loạt kế hoạch kinh doanh, nhân sự được cổ đông thông qua tại đại hội, một vấn đề cũng được cổ đông quan tâm đó là kế hoạch bancassurance của ngân hàng.
Một cổ đông đặt câu hỏi: “Hiện nay thị trường nhiều ngân hàng ký hợp đồng độc quyền bancassurance. Vậy sắp tới ngân hàng có ký độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm nào không?”.
Chia sẻ với cổ đông, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, hiện nay BIDV tham gia cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Riêng với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, ngân hàng đang có sự tham gia của cổ đông lớn từ một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Cũng theo ông Tú, cả hai doanh nghiệp bảo hiểm của BIDV là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) và BIDV MetLife đều đang cho doanh số tốt. “Hiện nay BIDV MetLife hoạt động theo đúng kế hoạch mà 2 đơn vị đã cam kết. Đặc biệt, chúng tôi đang triển khai dịch vụ bán chéo sản phẩm rất tốt và sử dụng các kênh là thế mạnh của nhau”, ông Tú nói.
Đại diện BIDV nói rằng, không riêng BIDV mà trên thị trường hiện nhiều ngân hàng có xu hướng bán hoặc hợp tác với các đơn vị bảo hiểm. BIDV đang nghiên cứu tất cả các phương án để tìm ra phương án tốt nhất, phát huy được tiềm năng lợi thế của BIDV trong việc phát triển mảng dịch vụ bán bảo hiểm .
Theo tìm hiểu, do mảng bancassurance năm 2020 đã mang lại những khoản doanh thu lớn nên không chỉ có cổ đông BIDV quan tâm mà cổ đông ở nhiều ngân hàng khác cũng quan tâm đến kế hoạch kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng.
Có thể ví thương vụ bancassurance như “vị cứu tinh” cho tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng trong năm qua. Chẳng hạn, năm 2020, sau khi cắt đứt quan hệ với AIA và Manulife, ACB đã công bố thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền với Sun Life. Khoản phí trả trước khổng lồ (hơn 8.500 tỷ đồng) được ACB phân bổ đều trong suốt thời gian hợp đồng 15 năm. Điều này dẫn đến lượng ghi nhận hàng năm là khoảng 570 tỷ đồng, tương đương với 6% lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ACB.
Tương tự, Vietcombank ghi nhận khoản phí trả trước là 9.200 tỷ đồng trong 5 năm, TPBank đã ghi nhận toàn bộ phí trả trước từ thương vụ bảo hiểm (khoảng 1.800 tỷ đồng) trong năm 2019 và 2020.
Bancassurance là trọng tâm
Trong bối cảnh doanh thu từ nhiều mảng kinh doanh như tín dụng, ngoại hối… dự báo sụt giảm do tác động từ dịch Covid-19. Chắc chắn tại ĐHCĐ năm nay, nhiều ngân hàng cũng sẽ “khoe” doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm tới cổ đông và đưa ra mục tiêu kinh doanh, cũng như tăng trưởng từ mảng này để làm “an lòng” cổ đông.
Chẳng hạn, HDBank tham vọng tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu đạt 1,2 nghìn tỷ đồng trong 2021 và năm 2023 ngân hàng lọt vào Top 3 về doanh số bán bảo hiểm. Hay như Vietinbank, trong năm 2021 ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận 1/5 phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020 – trị giá khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, thông tin từ công ty CP chứng khoán SSI Research ước tính lãi trước thuế của Vietcombank 2021 đạt 29.300 tỷ đồng, cao hơn 27,3% so với năm trước, với giả định tăng trưởng tín dụng, tiền gửi và tài sản lần lượt là 12,8%, 11% và 14% so với cùng kỳ.
Đơn vị phân tích ước tính NIM sẽ tăng lên 3,03% với chi phí vốn được cải thiện và tốc độ tăng trưởng cho vay liên ngân hàng thấp hơn. Do đó, SSI Research ước tính thu nhập từ lãi (NII) sẽ tăng 16% so với cùng kỳ. Thu nhập phí ròng ước tính sẽ tăng 8,2%, nhờ bancassurance tăng 60% và dịch vụ thanh toán tăng 20%, trong khi thu nhập ngoài lãi khác ước tính tăng 3% so với cùng kỳ.
Nhiều ngân hàng cũng khẳng định, bancassurance sẽ là mảng kinh doanh trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới. Phí bancassurance dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm tăng dần (đặc biệt là mảng nhân thọ).
Huyền Anh