Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn giá rẻ tại nhiều nhà băng giảm mạnh. |
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong quý II, lượng giao dịch thanh toán nội địa tăng mạnh, đồng thời lượng tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng cũng tăng theo. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn giá rẻ tại nhiều nhà băng giảm mạnh.
Nguồn vốn giá rẻ đang giảm
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, trong quý II, số lượng giao dịch được thanh toán bằng thẻ ngân hàng là hơn 171 triệu món với giá trị giao dịch trên 399.000 tỷ đồng. Cùng với đó, lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng cũng tăng mạnh, với gần 524.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng, tăng gần 47.300 tỷ đồng so với quý I.
Tiền gửi khách hàng trong thẻ là tiền gửi không kỳ hạn để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ).
Như vậy, so với quý I, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng đã tăng gần 47.300 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I/2020, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã giảm gần 23.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo tài chính tại các ngân hàng lại cho thấy một thực tế không mấy khả quan trong 6 tháng qua.
Thống kê của Thời báo Kinh Doanh tại 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 cho thấy lượng tiền gửi không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đang đi xuống.
Chẳng hạn, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại Kienlongbank sụt giảm mạnh tới gần 31%, xuống mức thấp nhất còn hơn 1.000 tỷ đồng, BacABank đã giảm tới 27,4%, SHB (-21%), Eximbank (-18,4%), SeABank (-14,8%)…
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank cũng giảm mạnh lượng tiền gửi không kỳ hạn.
Hiện nay, các ngân hàng huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, từ 0,1 - 0,2%/năm. Vì vậy, đây có thể coi là nguồn vốn giá rẻ cho các ngân hàng. Khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong khi vẫn giữ được lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh trên thị trường.
Trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư hồi đầu năm, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị ngân hàng của Techcombank chia sẻ, tỷ lệ tăng trưởng CASA cao trong những năm qua đã giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động trong cơ cấu chi phí của ngân hàng và giúp thu nhập từ huy động cao hơn từ cho vay. Qua đó đã cải thiện đáng kể thu nhập của Techcombank trong năm 2020.
Vì sao tỷ lệ CASA giảm?
Thực tế, những ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn trong 6 tháng đầu năm giảm cũng “kéo” CASA đi xuống.
Ví dụ, hiện nay, tỷ lệ CASA tại BacABank rớt xuống mức rất thấp trong nhóm khảo sát, chỉ còn 1,21%. Tiếp đến là Kienglongbank giảm xuống còn 2,88% so với mức 4,62% hồi đầu năm. Đứng ở vị trí thứ 3 trong số 20 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm thấp nhất là NamABank: 4,31%, còn SHB là 6,95%, SeABank là 8,73%...
Đáng lưu ý, tại một số ngân hàng luôn nằm trong top dẫn đầu trong hệ thống, theo thống kê 6 tháng, tỷ lệ CASA cũng giảm: MBB giảm nhẹ so với mức 38,38% hồi đầu năm, còn 35,61%; Vietcombank ghi nhận giảm 1,98% còn 28,80%; VietinBank còn 16,41%, BIDV là 15,83%, Techcombank giảm 0,05% còn 34,42%...
Như vậy, so với số liệu thống kê về lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng tại các nhà băng tăng mạnh trong quý II, thì báo cáo tài chính của các ngân hàng lại thể hiện con số giảm. Điều này có thể dễ hiểu, bởi lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng đến từ 2 nguồn, đó là từ tiền gửi của khách hàng và tiền gửi từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp.
Vì vậy, có thể khi dịch bệnh bùng phát, người dân có xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, khiến lượng giao dịch thanh toán nội địa tăng mạnh trong quý II, đồng thời lượng tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng tăng mạnh.
Ngược lại, ở các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, do đó phải rút tiền gửi không kỳ hạn để chi trả lương cán bộ, nhân viên, tiền thuê mặt bằng.
Ngoài ra, tại tại 3 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV trong nửa năm nay, dòng vốn rẻ đã sụt giảm rất mạnh do Kho bạc Nhà nước thực hiện rút ròng tổng cộng gần 189.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và có kỳ hạn nhằm đáp ứng Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại NHNN và các ngân hàng thương mại.
Theo đó, từ ngày 1/11/2019, Việt Nam chính thức áp dụng tài khoản duy nhất của Kho bạc mở đặt tại Sở giao dịch NHNN.
Vì vậy, hầu hết các khoản tiền gửi không kỳ hạn đã được Kho bạc Nhà nước rút hết, còn lại các khoản tiền gửi có kỳ hạn sẽ được tất toán khi đến thời điểm đáo hạn.
Trong những năm trước đó, lượng tiền lớn này đóng vai trò quan trọng trong cân đối nguồn vốn huy động và cho vay của các ngân hàng khi toàn bộ đều là tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn) hoặc kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp các ngân hàng này có được mức lãi suất cho vay cạnh tranh trên thị trường trong thời gian qua.
Thanh Hoa