Hàng chục, hàng trăm tấn nông sản phải bán “giải cứu”, đổ bỏ, phân phát từ thiện trong giai đoạn đại dịch khiến nhiều hộ nông dân và các HTX như ngồi trên đống lửa. Bài toán duy nhất là phải có kho lạnh bảo quản mới có thể gỡ được những khó khăn này.
“Đứt ruột” bỏ đi
Nhớ lại hồi tháng 2/2021, khi đại dịch Covid-19 lần thứ 3 ập đến Hải Dương, đây là một trong những vựa nông sản lớn nhất miền Bắc, cung cấp nông sản rau củ quả cho các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu. Thế nhưng, do lệnh giãn cách nên các tỉnh đều không thu mua được, cộng thêm TP. Hải Phòng kiểm soát xe từ Hải Dương chở nông sản xuất khẩu qua cảng khiến bà con đối mặt với nguy cơ mất trắng phải đổ bỏ.
Khi đó, nhiều tiếng kêu cứu từ người nông dân, Hội Nông dân các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng… khi có hàng trăm tấn cà rốt, cà chua, bắp cải, su hào, ổi… không xuất khẩu được và cũng không cung cấp cho các tỉnh bạn được và phải bán “giải cứu” hoặc đổ bỏ do già, thối hỏng.
Nếu có kho lạnh bảo quản, củ cải của người nông dân Mê Linh đã không bị đổ bỏ (ảnh: TL). |
Một số HTX và các doanh nghiệp chế biến nông sản tại Hải Dương chứng kiến cảnh cà rốt, bắp cải già đi mỗi ngày mà "lực bất tòng tâm", thậm chí có tiền cũng không dám mua về vì không có đủ kho lạnh, vận chuyển khó khăn.
May mắn hơn nông dân Hải Dương, HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng, Hà Nội) có 5ha trồng rau hữu cơ ở 20 khu nhà màng, nhà lưới. Đặc thù sản phẩm rau củ dễ bị giập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng.
Khi chưa có dịch Covid-19, rau hữu cơ của HTX, cung cấp thường xuyên cho 16 trường học mầm non trên địa bàn, các cửa hàng ăn uống, cửa hàng rau sạch trong nội thành Hà Nội. Ngoài ra, rau còn xuất đi các tỉnh và các huyện ngoại thành Hà Nội, bình quân mỗi tháng 6 - 7 tấn, giá bình quân 20.000 đồng/kg.
Từ 24/7 đến nay Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, HTX gặp khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù HTX có kho lạnh để chứa rau, nhưng với diện tích kho hơn 20m2, chỉ đủ chứa một phần nhỏ số lượng rau thu hoạch mỗi ngày.
Dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay đã khiến nơi thừa nông sản, nơi thiếu nông sản, đồng thời bộc lộ điểm yếu là có ít doanh nghiệp có kho trữ lạnh để bảo quản rau quả, trái cây, dẫn đến rớt giá thảm hại.
Bởi việc xây dựng kho lạnh tốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp lớn có đủ lực thì không hề khó. Đơn cử như Công ty TNHH Dịch vụ Vận chuyển CMU Logistics (TP.HCM) đã đầu tư 160 tỷ đồng để xây dựng kho lạnh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, sức chứa 12.000 pallet (khoảng 12.000 tấn).
Hay như CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng đã chi 3 triệu USD để xây dựng hệ thống silo để bảo quản gạo, từ đó đơn vị này đã chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng xuyên suốt 12 tháng trong năm.
Nhưng với các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn ít việc xây dựng được kho lạnh thì quả là một bài toán vô cùng nan giải.
Doanh nghiệp nhỏ, HTX gặp khó
Chia sẻ về những khó khăn đối với việc bảo quản rau củ quả trong kho đông lạnh, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) cho biết, trong tình hình dịch bệnh hiện nay các doanh nghiệp phải chịu giá cước phí container tăng chóng mặt và chi phí lưu kho lạnh cũng đang ở mức cao ngất ngưởng. Như Công ty Phúc Lâm phải thuê 1 kho lạnh để bảo quản nông sản ở Gia Lâm, Hà Nội chi phí phải bỏ ra 700.000 đồng/tấn/tháng.
“Đối với các doanh nghiệp nhỏ về xuất khẩu nông sản thì việc phụ thuộc vào kho lạnh là không thể tránh khỏi, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay”, bà Tuyết cho hay.
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), HTX rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không có tiềm lực về vốn. Mê Linh được biết đến là vùng cung cấp rau, củ lớn của Thủ đô, nếu HTX có kho lạnh để bảo quản nông sản thì việc đổ bỏ sẽ gần như không xảy ra. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng kho lạnh là rất tốn kém về chi phí, trong khi đó, HTX không đủ tiềm lực để thực hiện, nên điều này vẫn chỉ là "giấc mơ".
Nông sản của bà con nông dân Hải Dương phải nhờ đến chương trình bán rau "giải cứu" từ các tỉnh thành khác với giá vô cùng rẻ, chỉ khoảng 40.000 đồng cho 20 củ su hào. |
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho hay, HTX là 1 trong những đơn vị tiên phong đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản rau, củ, quả sau thu hoạch. Vốn bỏ ra ban đầu để làm kho lạnh là rất lớn, bà cũng như nhiều hộ nông dân dù rất mong muốn nhưng chưa đủ sức để đầu tư quy mô lớn hơn.
Hầu hết ý kiến các nông dân và doanh nghiệp đều cho rằng, trước mắt và lâu dài, để nông sản tiêu thụ thuận lợi (nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay) đòi hỏi cần tăng đầu tư mở rộng hệ thống kho trữ lạnh và khâu chế biến sâu. Để khi đầu ra gặp trục trặc thì nông sản vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cũng chia sẻ, tỉnh này đã đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nhãn, một loại sản phẩm dễ bị hỏng. Do đó, vụ nhãn năm 2021 này, sản phẩm có thể để kho lạnh thời gian lên đến 2 tháng mà chất lượng vẫn ngon, đảm bảo.
Phạm Minh