Với quyết tâm chuyển mình từ "huyện nghèo” trở thành huyện có sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, Kim Bôi đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn, từ đó tạo động lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
"Nâng cấp" từ hạ tầng...
Xác định mục tiêu rõ ràng, những chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện trong các năm 2019 - 2020 tiếp tục được thực hiện, tập trung vào các công trình đường giao thông nông thôn, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển sản xuất của người dân.
Hạ tầng giao thông được hoàn thiện giúp hoạt động sản xuất của người dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi thêm thuận lợi. |
Một số công trình điểm đã và đang tiếp thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, có thể kể đến như đường trục chính xóm Khú (xã Hợp Tiến) dài 750 m, đường trục chính xóm Suối Mý (xã Đú Sáng) dài 450 m, đường chính xóm Khoang Bèo (xã Xuân Thủy) dài 640 m, hay cầu treo xóm Mỵ đi Ba Giang, xã Mỵ Hòa...
Đầu năm 2021, gia đình ông Quách Văn Hin ở xóm Mến Bôi, xã Kim Lập đón mùa bí xanh bội thu cả về năng suất và giá cả. Như chia sẻ của ông Hin, nhờ đường giao thông nội đồng được bê tông hoá, gia đình ông và các hộ dân tộc thiểu số ở địa phương không còn lo thất thoát, dập hỏng nông sản trong quá trình vận chuyển.
“Với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, có thời điểm bán được 22.000 đồng/kg, gia đình tôi thu 200 - 250 triệu đồng từ trồng bí xanh mỗi năm. Đây là mức thu nhập không tưởng của người dân Mến Bôi cách đây 5 năm, khi việc đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, thương lái gần như chào thua”, ông Hin bộc bạch.
Theo lãnh đạo UBND xã Kim Lập, với tổng chiều dài trên 700 m, tuyến giao thông nội đồng trên địa bàn xóm Mến Bôi đã cơ bản cứng hóa được 2/3. Đây là công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135, hoàn thành cuối năm 2019.
Đến nay, sau gần 2 năm đi vào sử dụng, trục giao thông này đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Hiện, xóm đã chuyển đổi thành công trên 30 ha bí xanh trên tổng diện tích 50 ha đất trồng trọt. Việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận tiện, dễ dàng.
Có thể thấy, hạ tầng giao thông nông thôn được hoàn thiện đang giúp người dân trên địa bàn huyện Kim Bôi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết nối sản xuất, mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị canh tác. Thống kê từ năm 2016 đến nay, huyện Kim Bôi đã xây dựng, sửa chữa 221 công trình, trong đó có 82 công trình đường giao thông, đường nội đồng.
...Đời sống được cải thiện
Ông Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho hay, trong những năm qua, huyện đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, triển khai đồng hộ các chính sách chăm lo phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện cũng thực hiện tốt công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư, phát triển sản xuất Chương trình 135; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thay thế, bổ sung người có uy tín năm 2020 sau khi sáp nhập xã theo công văn hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh.
Nhờ hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, đời sống của người dân Kim Bôi được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. |
Cụ thể, riêng trong năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, công tác duy tu, bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... được huyện triển khai bảo đảm dân chủ, công khai, đạt hiệu quả tích cực.
Phòng Dân tộc huyện đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà hữu cơ thả vườn cho các xã đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện 300 triệu đồng. Triển khai mô hình phối giống nhân tạo đàn bò cho 10 xã đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện 274 triệu đồng. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò lai sinh sản tại 3 xã Cuối Hạ, Mỵ Hoà, Đú Sáng cũng cho giá trị kinh tế cao.
Với hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn huyện đã liên tục được hoàn thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ mức trên 30% năm 2018, giảm còn hơn 9% (hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 10,63%), hộ cận nghèo hơn 14% vào đầu năm 2021.
Trong năm có thêm 1 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn huyện đến cuối năm 2020 đạt 3 xã, chiếm 17,64% tổng số xã. 100% xã có điện lưới quốc gia, đường ô tô đến trung tâm xã. Toàn huyện có 42 trường học đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở các cấp học; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Đến nay, có 12/17 xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%.
Hệ thống chính trị - xã hội khu vực nông thôn của huyện cũng luôn được quan tâm, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, thôn, xóm, điều hành và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh ở nông thôn. 17/17 xã, thị trấn có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
An ninh, trật tự xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. Đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương.
Mỹ Chí
Bài 2: Liên kết làm giàu bền vững