Thời gian gần đây, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái đã tạo đà cho phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương thêm bước phát triển. Bằng cách tổ chức những buổi gặp mặt, đối thoại với đoàn viên, thanh niên để tư vấn, định hướng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương.
Chung ý tưởng khởi nghiệp
Năm 2015, được sự hỗ trợ, quan tâm của huyện đoàn Văn Yên, HTX Thanh niên Q&C (thôn 8 xã Đại Phác, huyện Văn Yên) được thành lập do 2 thanh niên Phạm Văn Cường và Trần Văn Quân khởi xướng.
“Chúng tôi xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, người làm nghề sửa xe, cơ khí, người lái xe, nhưng có chung ý tưởng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường”, Giám đốc HTX Thanh niên Q&C - Phạm Văn Cường chia sẻ.
Khi mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và nắm bắt được thị hiếu của thị trường, đến nay, HTX đã là một trong những địa chỉ tin cậy về cung ứng sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện, HTX tập trung sản xuất các loại củ, quả như: Dưa lê, dưa lưới, dưa chuột, su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, cho khách hàng cá nhân, một số trường học và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thị trấn Mậu A. Doanh thu hàng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 3,6 - 4 triệu đồng/ người/tháng.
Cũng giống như hai thanh niên Cường và Quân, chàng trai Phạm Thế Đạt sinh năm 1987 cũng lựa chọn mô hình HTX để lập nghiệp. Năm 2017, Đạt cùng 7 thành viên đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt với vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Trên diện tích 7 ha do các thành viên góp đất và một phần thuê lại của người dân trong thôn, HTX tập trung sản xuất rau an toàn theo chứng chỉ VietGAP và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho người dân địa phương.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã liên kết với HTX Thanh niên Q&C, HTX Trung Thành, huyện Văn Yên. Nhờ sự liên kết này, tính chất chuyên môn hóa được xác lập, khi HTX Phú Đạt chuyên sản xuất rau sạch, Q&C chuyên sản xuất các loại củ, quả. Để đưa sản phẩm đến với khách hàng, một cửa hàng Nông sản an toàn đã được mở tại thị trấn Mậu A.
Trung bình mỗi ngày, HTX xuất ra thị trường 1,5 tạ rau các loại. Hoạt động mới 2 năm nhưng HTX đã trở thành “bà đỡ” của nông dân, tạo việc làm cho 15 người lao động với mức thu nhập 130.000 đồng/ người/ngày.
Mỗi ngày, HTX Phú Đạt xuất ra thị trường 1,5 tạ rau các loại |
Tạo luồng gió mới
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, nhận định tuy thu nhập của các bạn trẻ này chưa cao, nhưng kết quả hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn. Các HTX đã tạo ra một làn sóng về sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Được biết, toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 10 mô hình HTX do thanh niên làm chủ. Các HTX này đã tạo luồng gió mới cho kinh tế hợp tác, HTX bởi sức trẻ, sự nhanh nhạy, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm nhưng cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường, đầu ra sản phẩm.
Ông Hà Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: Để mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTHT, nòng cốt là các HTX; đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX; chú trọng xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; lựa chọn những HTX kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.
Hà Xuyên