Ông Đỗ Quang Lừng - Giám đốc HTX Kiến Thuận, cho biết: “Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, Kiến Thuận hoạt động với 54 thành viên và 35 hộ liên kết. Hiện tại, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX đạt trên 221 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm”.
Kiến Thuận cũng là HTX tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Vào HTX, các thành viên và hộ liên kết được hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 - 500 đồng/kg.
Sản xuất hiện đại
Để phát triển bền vững, HTX đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên và các hộ dân liên kết. Sản xuất theo công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao.
“Việc chuyển dịch từ lượng sang chất giúp thu nhập của người lao động được nâng cao, thị trường ổn định hơn. Trong 3 năm qua, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 6,5 - 7 triệu đồng/người/ tháng, tăng gần 60% so với khi chưa chuyển đổi năm 2014”, Giám đốc Đỗ Quang Lừng cho hay.
Với chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX không chỉ khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu thành công đến nhiều thị trường khó tính. Kể từ năm 2017, HTX đã xuất thành công hàng trăm tấn chè đen sang hai thị trường Nga và Hoa Kỳ.
Để bắt kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, HTX Kiến Thuận đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, 1 máy tách cẫng chè kỹ thuật số.
Năm 2016, HTX đầu tư lắp đặt máy tách màu ISORT 4GT công nghệ Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, nâng công suất hoạt động của HTX 500 - 700 kg thành phẩm/giờ.
HTX cũng đang làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Vùng nguyên liệu của HTX được cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm (chuồng trại, nguồn nước ô nhiễm…), quy trình chăm sóc đạt chuẩn GlobalGAP (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước… đều đạt chuẩn quốc tế).
Hiện tại, hầu hết các công đoạn chế biến chè đen của HTX đều sử dụng máy móc, từ thu hoạch, phơi, vò, lên men, đến sấy khô, sàng chè, đóng gói…
Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX Kiến Thuận có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM |
Động lực cho NTM
Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh giúp HTX Kiến Thuận có những đóng góp thiết thực và trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Văn Chấn.
Văn Chấn là một huyện vùng cao, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, vì vậy, đóng góp của HTX Kiến Thuận cùng các HTX khác như Kiên Thành, Lũng Lô… có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng kinh tế, xã hội, phát triển NTM.
Sau 8 năm xây dựng NTM, toàn huyện Văn Chấn có 7 xã đã về đích NTM. Năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 2 xã (gồm Chấn Thịnh và Sơn A) đạt chuẩn NTM. Đến năm 220, huyện đặt mục tiêu có 13 xã đạt chuẩn NTM.
Những thành công trong xây dựng NTM giúp bộ mặt kinh tế, xã hội của huyện Văn Chấn có nhiều khởi sắc. Huyện xây dựng thành công gần 575 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa được trên 177 km, rải cấp phối trên 216 km, đường mở mới gần 181 km.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã khai thác hiệu quả những lợi thế riêng của vùng như cánh đồng Mường Lò để sản xuất lúa gạo hàng hóa; phát triển đa dạng các loài cây trồng, vật nuôi, trong đó, có một số loại đặc sản như: Chè Suối Giàng, cam, gạo nếp Tú Lệ... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Để hoàn thành các mục tiêu NTM, phát triển sản xuất để nâng cao đời sống của người dân là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, vai trò của các HTX trong việc dẫn dắt, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản,… là đặc biệt quan trọng”.
Hưng Nguyên