Năm 2015, HTX Kiên Thành tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012, số lượng thành viên tham gia HTX tăng lên 25 thành viên với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Đến nay, HTX đã thu gom, tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên HTX và người dân, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng.
HTX cũng đang tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ hiệu quả vượt trội, HTX là một trong những đơn vị kinh tế điển hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Hiệu quả toàn diện
Không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế vượt trội, HTX Kiên Thành còn đem lại những giá trị thiết thực về đời sống, xã hội cho thành viên HTX và người dân địa phương.
Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Kiên Thành, chia sẻ: “Sứ mệnh của HTX không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là bảo đảm đời sống cho thành viên và người lao động. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, các yếu tố về sức khỏe của thành viên, an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất được HTX chú trọng”.
Hiện, HTX Kiên Thành được lựa chọn là một trong những đơn vị cung cấp cây giống tre măng Bát độ cho diện tích 2.000 ha tại các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên và Văn Chấn theo Đề án Phát triển cây tre măng Bát độ của tỉnh, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh.
Để phát huy thế mạnh từ măng tre Bát độ, HTX đã mạnh dạn liên kết cùng công ty CP Yên Thành (huyện Yên Bình) để phối hợp sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông dân.
Cùng với “đối ngoại”, HTX cũng chủ động nâng cao nội lực để tăng sức cạnh tranh. Năm 2015, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX đẩy mạnh huy động vốn, tranh thủ nguồn hỗ trợ để thuê thêm hơn 5.000 m2 đất để xây dựng nhà xưởng, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.
HTX tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu bằng việc đầu tư trồng mới trên 30 ha đồi rừng giống tre măng Bát độ và cây quế, cung ứng vật tư nông nghiệp cho trên 50% hộ dân trồng măng trên địa bàn.
Măng tre Bát độ là sản phẩm thế mạnh, có hiệu quả kinh tế cao tại xã Kiên Thành |
Nhân tố thúc đẩy NTM
Với những liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, cùng những chiến lược phát triển bền vững, HTX Kiên Thành đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho thành viên và người nông dân, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kinh tế, xã hội, phát triển NTM tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Đà - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, cho biết: “Kiên Thành là vùng trọng điểm tre Bát độ của huyện Trấn Yên. Hiện, toàn xã đang có hơn 1.500 ha tre, sản lượng măng đạt xấp xỉ 30.000 tấn, giá trị hàng năm đạt trên 30 tỷ đồng”.
Để nâng tầm sản phẩm thế mạnh của địa phương, HTX Kiên Thành là một trong nhưng đơn vị đi đầu trong liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đóng góp của HTX cũng là nhân tố quan trọng để xã Kiên Thành hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
Tính trên địa bàn toàn huyện, Trấn Yên hiện có 15/21 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại gồm Hòa Cuông, Quy Mông, Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành và Việt Hồng sẽ cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2020.
Sau 8 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn huyện Trấn Yên có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự xã hội được giữ vững…
Huyện Trấn Yên cũng phát triển thành công 21 HTX, thành lập 12 tổ hợp tác và 1 làng nghề chế biến, sản xuất sản phẩm nông, lâm sản… Đây là bước đệm quan trọng để Trấn Yên hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái (hiện đã đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM).
Nhật Minh