Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn.
HTX góp phần về đích NTM nâng cao
Một trong những điểm mạnh của Xuyên Mộc đó là phát triển kinh tế tập thể, HTX. Mô hình kinh tế này được huyện đặc biệt quan tâm phát triển. Đây cũng là điểm mạnh để Xuyên Mộc đã sớm trở thành huyện thứ 6 đạt chuẩn nông thôn mới tại Bà Rịa-Vũng Tàu hồi tháng 6 vừa qua.
Thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế tập thể ở huyện Xuyên Mộc phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện.
Đơn cử, trước đây, các hộ trồng nhãn, mãng cầu ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) thường bị thương lái ép giá hoặc phải mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng với giá cao, dẫn đến thu nhập kém ổn định. Từ khi HTX dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp) được thành lập, những bất cập trên đã dần được tháo gỡ. Nông sản của người dân được bảo đảm đầu ra và bán được với giá cao gấp 2-3 lần so với trước đây.
Thu hoạch nhãn tại HTX Nhân Tâm (xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc). |
Ngoài ra, tham gia HTX, các thành viên còn được tập huấn kiến thức, kỹ thuật về cách chăm sóc, cách phòng dịch bệnh và được chia sẻ liên kết thị trường, mở rộng quy mô sản xuất... Nhờ đó, nhiều năm nay các sản phẩm cây trồng của nông dân xã Hòa Hiệp đã tham gia vào được hệ thống siêu thị trong cả nước và tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường như: nhãn xuồng, mãng cầu ta... “Trước đây, chúng tôi “mạnh ai nấy làm”, nên thường bị ép giá. Từ khi có HTX, đầu ra của nông sản ổn định, nhờ đó cuộc sống của bà con nông dân cũng đã có nhiều đổi thay”, ông Lê Văn Tường, Giám đốc HTX Nhân Tâm cho biết.
Tính đến nay, toàn huyện có 8 HTX nông nghiệp hoạt động trong các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp… với hơn 140 thành viên. Bên cạnh HTX, dưới sự hỗ trợ, vận động của các cấp hội nông dân, nhiều địa phương cũng đã thành lập các CLB, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp như: tổ HTX rau an toàn, tổ hợp tác trồng lúa, thủy sản… Các mô hình kinh tế này sau khi thành lập đã có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau về giống, vốn, vật tư nông nghiệp và kỹ thuật sản xuất… giúp các thành viên mở ra cách làm ăn theo hướng liên kết sản xuất bền vững.
Được thành lập hơn 10 năm, HTX nông nghiệp dịch vụ Gò Cát (xã Phước Thuận) đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều nông dân. Cách đây vài năm, một số nông dân trồng lúa của địa phương lâm vào cảnh khó khăn, do thiếu vốn và thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng lúa kém, giá bán không cao. Lúc này, ban giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Gò Cát chủ động, sáng tạo tìm các giải pháp hỗ trợ như: Tín chấp cho thành viên được mua phân bón trả chậm; hợp đồng làm các dịch vụ như: làm đất, gặt đập, vận chuyển nông sản...
Ngoài ra, HTX chủ động phối hợp với Công ty sinh học Bình Sinh (Hà Nội), hướng dẫn thành viên sản xuất mô hình lúa sạch với quy trình sản xuất sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người. Theo đánh giá của các thành viên, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực: giúp tăng năng suất, sản lượng khoảng 30% so với trước đây. Ngoài ra, sản phẩm lúa sạch được công ty bao tiêu sản phẩm nên các thành viên rất phấn khởi. Nhờ đó, tạo chỗ đứng ổn định và nâng cao cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm lúa của HTX Gò Cát. Đồng thời, nâng cao đời sống cho người trồng lúa.
Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng nông thôn
Bên cạnh kinh tế tập thể, Xuyên Mộc cũng là huyện đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ chủ trương này mà cơ sở hạ tầng trên địa bàn 12 xã được đầu tư kiên cố, đồng bộ trong đó 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống thủy lợi đã cung cấp nước tưới cho hơn 86% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn các xã; 99,82% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 52/52 trường học ở 12 xã đều đã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo quy định, đạt 100%...
Cơ sở hạ tầng huyện Xuyên Mộc đang có nhiều đổi thay nhờ xây dựng thành công chương trình NTM. |
Thu nhập bình quân đầu người của 12 xã đạt từ trung bình 61 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 44 triệu đồng so với năm 2010; tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%, cao hơn 4,5% so với quy định của Bộ tiêu chí; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn 12 xã đạt 92,8%, tăng 37,36% so với năm 2010.
Tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% trong đó tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 75,1%; cảnh quan, môi trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp.
Đơn cử như xã Hòa Hiệp, một trong những địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Xuyên Mộc. Khi bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn, thách thức, hạ tầng nông thôn yếu kém, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp… Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước, giờ đây, Hòa Hiệp đã khoác lên mình tấm áo mới với hệ thống đường xã, liên thôn, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa trong niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, địa phương cũng kêu gọi người dân cùng chính quyền chung sức xây dựng NTM bằng những biện pháp cụ thể như hiến đất làm đường, trồng hoa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hai bên đường trong khu dân sinh để bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng, thành quả quan trọng nhất trong 10 năm xây dựng NTM huyện Xuyên Mộc đạt được là thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Cùng với đó là hạ tầng, cơ sở vật chất được cải thiện, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng tăng lên. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 60,99 triệu đồng/người/năm, tăng 3,66 lần so với năm 2010.
“Huyện Xuyên Mộc tiếp tục phấn đấu để đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhằm giữ vững thành quả, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Chú trọng phát huy tối đa các nguồn lực tại địa phương, lồng ghép linh hoạt nguồn vốn trong dân và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, tìm kiếm nhà đầu tư, vận động các DN trên địa bàn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, bà Đài nói.
Hoàng Oanh