Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một số HTX nông nghiệp đang thực hiện đa dạng hóa ngành nghề, chú trọng kinh doanh dịch vụ và đạt được hiệu quả cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, chiếm hơn 26% tổng số HTX trên địa bàn. Nhiều HTX được hình thành lâu đời, có đất, có phương tiện sản xuất, đời sống xã viên khá ổn định, tuy nhiên, nếu không tích cực chuyển đổi theo mô hình đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kết hợp với kinh doanh dịch vụ, thì rất khó tạo sự bứt phá.
Hơn nữa, việc mở rộng quy mô, liên kết làm ăn với các doanh nghiệp trong vùng cũng là một trải nghiệm cần thiết để cán bộ HTX và xã viên thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất và quản lý HTX. Đây là tiền đề để các HTX thích nghi với cơ chế mới, bởi tới đây, theo Luật HTX sửa đổi, HTX sẽ được xem như một loại hình doanh nghiệp, hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp.
Cung ứng dịch vụ nông nghiệp
Tháng 4/2012, HTX nông nghiệp - dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) đã vinh dự nhận "Cúp vàng hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" lần thứ nhất, do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng. Danh hiệu này là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của HTX trong việc cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho nông dân trong vùng.
Từ một HTX sản xuất nông nghiệp với ngành nghề chính là trồng lúa, chuyển sang cơ chế thị trường, HTX đã mạnh dạn mở thêm các dịch vụ như: tín dụng nội bộ, cung ứng giống lúa, dịch vụ làm đất, tưới tiêu, thu hoạch... Hiện nay, mỗi vụ lúa, HTX cung ứng được 12 tấn lúa giống các loại cho xã viên và nông dân trên địa bàn. Nông dân huyện Long Điền luôn yên tâm vì lúa giống của HTX ít sâu bệnh, năng suất cao (bình quân 5,5 tấn/ha).
Ngoài việc cung ứng giống lúa, HTX còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới như: mô hình ruộng lúa bờ hoa, VietGAP, cánh đồng mẫu lớn, 3 giảm - 3 tăng… Trước mỗi vụ lúa, hoặc đến vụ thu hoạch, HTX liên hệ với các chủ máy xới, máy gặt đập liên hợp, bố trí sắp xếp lịch làm việc lần lượt cho từng hộ có nhu cầu.
Cũng với phương thức tương tự, các HTX khác như: Quyết Thắng, Phước Lập (thị xã Bà Rịa), Tam Phước (Long Điền), Quảng Thành (Châu Đức) đã được nông dân địa phương tín nhiệm, với các dịch vụ cung ứng giống lúa, phân bón, làm đất. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các HTX làm dịch vụ cho nông dân đều gặp khó khăn chung là thiếu vốn nên khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn kinh doanh cùng lĩnh vực tại địa bàn.
Chủ động đầu ra cho sản phẩm
Ngay từ khi mới thành lập, HTX nông nghiệp - dịch vụ Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) đã có định hướng sản xuất an toàn cho 2 loại trái cây đặc sản, là nhãn xuồng cơm vàng và mãng cầu ta. HTX chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm III, để xây dựng quy trình VietGAP và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 2 hệ thống siêu thị Co.op Mart và Metro tại Tp.HCM.
Hiện nay, có 6 hộ xã viên của HTX trồng 6ha nhãn xuồng cơm vàng và 5 hộ trồng 5ha mãng cầu ta theo quy trình VietGAP. Dự kiến, đến cuối năm nay, các hộ trồng mãng cầu ta sẽ được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và đến tháng 9/2013 các hộ trồng nhãn xuồng cũng sẽ được nhận chứng nhận này. "Có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi hy vọng, sản phẩm của mình không chỉ có mặt ở các siêu thị trong nước, mà còn vươn tới các siêu thị nước ngoài", ông Đào Văn Hiếu, xã viên HTX Nhân Tâm nói.
Cũng nhờ chủ động "bắt tay" với siêu thị Co.op Mart Bà Rịa - Vũng Tàu, mà hiện nay HTX nông nghiệp - dịch vụ Tam Phước (huyện Long Điền), đã ổn định được đầu ra cho sản phẩm trứng gia cầm sạch và đang đầu tư thêm mô hình nuôi heo rừng. "Muốn sống được trong cơ chế thị trường, trước hết, HTX phải khẳng định được chất lượng sản phẩm và mạnh dạn trong việc giao dịch tìm đầu mối tiêu thụ", ông Thái Hồng Quang, Chủ nhiệm HTX Tam Phước chia sẻ.
Lam Phương