Xuân Lộc cũng là huyện duy nhất trong cả nước đạt và vượt mục tiêu về xã NTM nâng cao và đạt mục tiêu về xã NTM kiểu mẫu, với 9/14 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã hoàn thành NTM kiểu mẫu. Huyện cũng đạt 18/29 tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Xuân Lộc đang phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025 và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Vượt khó đi lên
Nhớ lại những tháng ngày lập nghiệp đầy gian khó, ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi, xã Xuân Bắc cho biết, đồi Sabi xưa là vùng đất “chết” vì ngay cả những cây dễ trồng như sắn, điều... cũng không cho thu hoạch.
“Nhưng nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi và áp dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã thành công, bắt mảnh đất cằn cho ra những mùa trái ngọt. Vùng đồi này bây giờ không còn một tấc đất bị bỏ hoang mà được phủ xanh bởi quýt, bưởi, xoài... với danh sách những triệu phú, tỷ phú nông dân không ngừng nối dài”, ông Chí nói.
Ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái đồi Sabi kiểm tra xoài trước khi thu hoạch. |
Bà Dương Thị Phương Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc chia sẻ, Xuân Bắc là xã thuần nông với 4/12 ấp đặc biệt khó khăn vì đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước sản xuất, nên trước đây chỉ trồng được những cây cho thu nhập thấp.
“Nhưng cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sản xuất khi xây dựng NTM, những vùng đất bỏ hoang như đồi Sabi đã thành vùng chuyên canh cho thu nhập cao. Các HTX được thành lập liên kết với nông dân sản xuất sạch với đầu ra ổn định”, bà Thoa cho biết.
Nhân tố quan trọng để đưa tới thành công trong xây dựng NTM ở Xuân Lộc là người dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Nhờ vậy đến nay, chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, Xuân Lộc đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng xuất khẩu đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1.400 ha, hồ tiêu 2.200 ha, chôm chôm 1.400 ha, thanh long ruột đỏ 500 ha...
Toàn huyện cũng đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, 100% số xã có quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi... Địa phương còn triển khai thí điểm 6 dự án liên kết sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, trong đó có trên 7.000 ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà lưới, nhà màng, nhà kính.
Xuân Lộc cũng đặc biệt chú trọng các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp có nhiều chuyển biến, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt gần 78%. Nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú) là điển hình cho HTX tổ chức tốt chuỗi liên kết từ sản xuất an toàn đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu bắp, gạo sạch của thành viên với giá tốt, ổn định. Sản phẩm của HTX đã có nhãn hàng, được thị trường đón nhận.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến cho biết: “Hiện có nhiều đối tác đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm gạo sạch và các sản phẩm chế biến từ gạo sạch của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu. HTX đã mở rộng liên kết với những HTX, CLB sản xuất khác trên địa bàn tỉnh nhằm nhân rộng vùng sản xuất lúa sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.
Những dấu mốc quan trọng
Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường giao thông, đường trục chính nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để mở rộng diện tích tưới cho cây trồng.
Đoàn viên thanh niên dọn dẹp tuyến đường kiểu mẫu Sáng, xanh, sạch, đẹp ở xã Xuân Tâm. |
Chỉ tính riêng hai năm 2019-2020, Xuân Lộc huy động được tổng nguồn vốn hơn 8.300 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung phát triển hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Huyện tiếp tục tập trung vào các mục tiêu cụ thể, phát triển sản xuất; phát triển kinh tế nông thôn; thiết chế hạ tầng đồng bộ; đảm bảo môi trường; đảm bảo an sinh, nâng cao thu nhập cho người dân và xóa nghèo.
Thực hiện mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, Xuân Lộc đã tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất...
Hỗ trợ cho các HTX ngày càng lớn mạnh, không chỉ đầu tư phát triển sản xuất mà còn chủ động được cả đầu ra cho nông sản cũng được huyện Xuân Lộc đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Theo đó, năm 2020, huyện đã hỗ trợ cho hàng chục lượt HTX, doanh nghiệp tham gia 3 đợt hội chợ triển lãm trong tỉnh; hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài ra, các hội nghị kết nối giao thương được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn tiêu thụ nông sản phẩm thực phẩm, rau quả an toàn vào hệ thống chợ đầu mối, siêu thị và kênh phân phối truyền thống. Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đầu ra cho nông sản, đồng thời học tập được những kinh nghiệm tiêu thụ nông sản, những kỹ năng quản lý thương hiệu.
Huyện cũng đang tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp như: thủy lợi, điện sản xuất, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp, HTX tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các HTX, trang trại xây dựng website, ứng dụng thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế…
Nhờ vậy đến nay toàn huyện có trên 7.000 ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao, như nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Đến nay Xuân Lộc có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó 7 sản phẩm đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 161,8 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc khẳng định, quan điểm của địa phương là nỗ lực để đạt mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu nhưng không chạy theo thành tích mà đi vào thực chất. Trong đó, tiêu chí phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
“Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm xây dựng NTM không ngừng tăng lên, từ 19 triệu đồng/người vào năm 2010, đạt hơn 65,8 triệu đồng vào năm 2020. Ấn tượng nhất là các xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện nay hầu như không còn hộ nghèo”, bà Tiên nói.
Phạm Duy