Dừa đang là điểm sáng trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản huyện Bình Đại (Ảnh Tư liệu) |
Đổi mới toàn diện
Thực hiện kế hoạch thúc đẩy “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) phát triển, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025, những năm qua, huyện Bình Đại đã chủ động tổ chức, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với an toàn lao động (ATLĐ).
Huyện thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất liên quan đến đất nông nghiệp, qua đó làm cơ sở sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng vùng, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo ATLĐ; linh hoạt sử dụng đất đai hiệu quả, nhất là đất bãi bồi ven sông, ven biển, vườn tạp...
Đặc biệt, huyện còn đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực trên con tôm, con bò, trái dừa và nhãn, nhằm tạo sự khác biệt trong canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm và mang đến hiệu quả kinh tế cho nông dân trong liên kết sản xuất.
Với những kết quả đã đạt được trong hơn nửa thập kỷ qua, huyện Bình Đại đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác liên kết đạt 30%.
Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ hợp tác, HTX hiện có. Đẩy mạnh vai trò dẫn dắt, kết nối của các tổ nghề nghiệp, tổ hợp tác và HTX trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, lồng ghép thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tạo điều kiện hỗ trợ tổ hợp tác và HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh và đầu tư vào nông nghiệp theo hướng an toàn, góp phần thực hiện tốt việc cơ cấu lại sản xuất theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Việc xây dựng chuỗi cũng đang có chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nuôi tôm (Ảnh TL) |
Hiệu quả gia tăng
Dừa vẫn đang là điểm sáng trong xây dựng chuỗi giá trị tại Bình Đại. Với sự hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, toàn huyện đang có 1.690 ha đất chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó đạt chứng nhận hữu cơ vào khoảng 750 ha.
Bà Võ Thị Họa My – Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Thuận, cho biết những năm qua, để đáp ứng sản xuất hữu cơ, các thành viên và hộ liên kết với HTX đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, nhằm nâng cao chất lượng dừa và đảm bảo ATLĐ.
Thời gian qua, thành viên HTX và các hộ trồng dừa tại Bình Đại liên tục được tập huấn chính sách pháp luật về ATLĐ, vệ sinh lao động; tổ chức quản lý - nghiệp vụ về ATLĐ, vệ sinh lao động tại cơ sở; an toàn làm việc với máy móc, thiết bị sản xuất…
Bên cạnh các HTX mạnh như HTX Lộc Thuận, HTX Vang Quới Đông, huyện còn có 8 THT phát huy thế mạnh trồng dừa, điển hình như THT ấp Lộc Thành, THT thu mua dừa xã Phú Vang, THT liên kết thu mua dừa trái xã Phú Long, THT liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa trái ấp Bình Phú...
Cùng với cây dừa, các sản phẩm thế mạnh khác của huyện như bò, tôm biển, nhãn cũng đang có chuyển biến tích cực trong xây dựng chuỗi, mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, ATLĐ cho nông dân.
Điển hình, trong lĩnh vực nuôi tôm, hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn đang cho hiệu quả rất cao. Toàn huyện đang có trên 320 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình này.
Gia đình anh Trần Văn Bắc (xã Đại Hòa Lộc) là một trong những hộ nuôi tôm 2 giai đoạn thành công nhất Bình Đại hiện nay. Mỗi vụ, anh tổ chức khoảng 10 ao nuôi, thu hoạch 80 - 100 tấn, cỡ tôm 25 - 70 con/kg, lợi nhuận hàng tỷ đồng.
“Nuôi tôm 2 giai đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng mang lại rất nhiều lợi ích. Năng suất bình quân cao hơn 2 – 3 lần giúp giá trị kinh tế tăng mạnh. Đặc biệt, các hộ nuôi cũng có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn (trong sử dụng máy móc, điện lưới…), đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất”, anh Bắc phấn khởi cho hay.
Nhật Minh