Cây chè đang được thúc đẩy để trở thành cây kinh tế mũi nhọn tại Đại Từ (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất chè theo chuẩn VietGAP
Kể từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều chính sách để trợ lực cho các HTX, người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với an toàn lao động (ATLĐ) vào sản xuất, chế biến chè.
Sau gần 5 năm, huyện đã hỗ trợ gần 16 tỷ đồng để cấp giống chè trồng mới, xây dựng các mô hình sản xuất chè VietGAP, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn ATLĐ cho các hộ trồng chè, thành viên HTX...
Kết quả, Đại Từ hiện có tổng diện tích hơn 730 ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP (tính đến đầu tháng 1/2020), chiếm 11,5% tổng diện tích chè toàn huyện. Cuối năm 2019, nhãn hiệu tập thể “chè Đại Từ” chính thức được công nhận.
Việc áp dụng sản xuất VietGAP không chỉ giúp các HTX, nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn mang lại giá trị kép về vệ sinh thực phẩm và ATLĐ.
Sự hoàn thiện về sản xuất đã giúp giá trị chè Đại Từ liên tục tăng lên. Trước năm 2010, giá chè bình quân chỉ vào khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg, đến nay giá chè đạt 200.000 – 250.000 đồng/kg, hàng trăm ha chè được HTX, doanh nghiệp bao tiêu. Nhờ cây chè, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh việc hỗ trợ HTX, nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sản xuất, huyện còn chú trọng đến công tác khuyến nông và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực trong sản xuất, chế biến chè. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 120 lớp tập huấn kỹ thuật, ATLĐ cho gần 5.200 học viên.
Nhờ sản xuất an toàn, sản phẩm chè Đại Từ đang khẳng định thương hiệu trên thị trường (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị
Để từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến trên địa bàn đang được huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm.
Đến nay, toàn huyện có 31 HTX, 68 tổ hợp tác cùng 43 làng nghề trồng và chế biến chè. Các đơn vị được tạo điều kiện đăng ký mã số, mã vạch, tham gia website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên…
Đơn cử như HTX chè La Bằng (xã La Bằng) đang là điểm sáng trong phát triển sản xuất chè theo chuỗi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.Được thành lập từ năm 2006, HTX đang có 12 thành viên, 60 hộ liên kết. Bình quân sản lượng chè của HTX đạt xấp xỉ 10 tấn/năm, doanh thu gần 1,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc HTX, cho hay: “HTX đã đạt chuẩn VietGap và quyết tâm đến năm 2022 sẽ đạt chuẩn hữu cơ. Để hoàn thành mục tiêu, HTX đang đẩy mạnh hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, tập huấn kỹ thuật, ATLĐ cho thành viên, người lao động”.
Theo UBND huyện Đại Từ, với những thành công đang có, sắp tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, chế biến chè, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và tìm những giải pháp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân.
Với những nỗ lực như vậy, Đại Từ đang phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện có 20% diện tích chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 30% sản lượng là chè xanh đặc sản chất lượng cao được sản xuất, chế biến trên thiết bị hiện đại phục vụ nhu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hưng Nguyên