Những năm qua HTX không ngừng mở rộng liên kết cùng bà con nông dân để trồng các giống lúa chất lượng cao. Đến nay, vùng trồng lúa đã mở rộng diện tích hơn 800ha của thành viên trong HTX và ngoài liên kết.
Liên kết thành vựa lúa lớn
Trước năm 2017, bà con nông dân tại xã Cư Kty chủ yếu trồng mía và ngô, quy mô trồng lúa nhỏ lẻ, mỗi người trồng một giống nên việc tiêu thụ cũng bấp bênh theo thị trường.
Nhận thấy vùng đất bằng phẳng, phù sa màu mỡ, nếu trồng các loại giống lúa chất lượng cao sẽ cho chất lượng tốt. Năm 2017, ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình đi tìm hiểu các vựa lúa ở miền Tây để học hỏi quy trình trồng và chăm sóc sau đó mang về địa phương trồng thử nghiệm.
Diện tích lúa của các thành viên đã lên con số 400 ha, ngoài ra còn mở rộng vùng liên kết sản xuất thêm 400 ha của các thành viên ngoài HTX |
Thành công từ vụ đầu thử nghiệm trở thành động lực để HTX liên kết bà con nông dân trong vùng mở rộng diện tích trồng lúa. Để làm được điều này, HTX xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm RVT, ST24, Đài thơm 8 với diện tích ban đầu là 50ha, từng bước thực hiện tham vọng biến nơi đây thành vựa lúa lớn của Đắk Lắk nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
"Đầu tiên, tôi tổ chức sản xuất lúa trong nội bộ các thành viên của HTX. Tôi thường chọn những thành viên có diện tích đồng ruộng lớn. Khi họ làm thành công, các hội viên và bà con xung quanh nhìn vào đó, tin tưởng tham gia theo. Nếu không làm từng bước như thế, chúng tôi rất khó thuyết phục bà con hợp tác để hình thành nên một cánh đồng lúa rộng lớn", ông Sơn chia sẻ.
Nhờ chọn lựa các loại giống phù hợp với điều kiện sinh trưởng, quản lý chăm sóc đúng quy trình nên năng suất đã đạt ở mức tối đa (vụ Hè thu dao động 7-9 tấn/ha; vụ Đông xuân dao động 10-13 tấn/ha). Giá thu mua lúa tươi tại đồng dao động từ 6.000-7.500 đồng/kg.
Những năm qua, HTX còn cung ứng nguồn phân bón, vật tư nông nghiệp có chất lượng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ cho các thành viên HTX. Nhận thức của nông dân cũng ngày càng được nâng cao khi sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn, ưu tiên sử dụng những giải pháp hữu cơ, sinh học, không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học nhằm duy trì cân bằng sinh thái trên cánh đồng, tránh khai thác cạn kiệt tài nguyên đất đai.
Số hoá gạo Việt
Năm 2019, HTX bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, sản xuất gạo chất lượng cao ngay tại vùng nguyên liệu. Khi những ruộng lúa đạt độ chín vừa đủ trên cánh đồng, HTX sẽ tổ chức gặt và sấy khô trong ngày nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo thành phẩm tốt nhất, giữ được hương vị thơm ngon nhất.
HTX xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, sản xuất gạo chất lượng cao ngay tại vùng nguyên liệu. |
Sản phẩm thu hoạch của từng lô được phơi sấy, bảo quản riêng, kiểm định chất lượng trước khi xay xát thành gạo đưa đến tay người tiêu dùng. Mỗi lô sản xuất sẽ được HTX gắn mã QR riêng biệt thay cho việc sử dụng chung một mã QR cho tất cả sản phẩm. Vì vậy, khách hàng chỉ cần quét mã QR này sẽ hiện lên chi tiết từng công đoạn sản xuất riêng biệt cho từng lô chứ không còn là thông tin chung về HTX như trước đây.
Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, do triển khai sản xuất giống lúa ST24, ST25 của nhà sản xuất Hồ Quang Cua - Sóc Trăng nên đã mang lại thành công vượt trội. Theo ông Sơn, giống lúa thơm ngon hàng đầu thế giới này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng sản xuất huyện Krông Bông, kháng bệnh, cứng cây, cho năng suất rất cao (10 đến trên 13 tấn lúa tươi/ha).
Là giống lúa cho gạo ngon nhất hiện nay nên giá thu mua khá cao, dao động từ 6.500 - 8.500đ/kg lúa tươi. Nhiều hộ nhờ thâm canh tốt đã đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha, tăng hơn so với trước đây từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Đến nay, diện tích lúa của các thành viên đã lên con số 400 ha, ngoài ra còn mở rộng vùng liên kết sản xuất thêm 400 ha của các thành viên ngoài HTX.
Đến cuối năm 2020, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP cho 60 ha lúa nước trên cánh đồng Nà Thăng Bình được phân thành 19 lô sản xuất. Mọi thông tin sản xuất của từng lô từ khâu làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến lúc thu hoạch được cập nhật liên tục trên hệ thống quản lý của HTX theo từng mã số khác nhau. Bên cạnh đó, HTX xây dựng thành công thương hiệu gạo sạch Thăng Bình HTB và được UBND tỉnh cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Đắk Lắk chia sẻ: HTX dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình là một trong những HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả nhất trên địa bàn huyện. Trong thời gian vừa qua, phía huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ, giúp đỡ HTX phát triển. Đặc biệt, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ các mô hình liên kết với HTX phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.
Ngoài ra, địa phương đã đề xuất và được tỉnh cho chủ trương hỗ trợ HTX xây dựng dây chuyền hiện đại chế biến lúa sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian tới UBND huyện tiếp tục giúp đỡ HTX xây dựng chỉ dẫn hàng hoá, phát triển thương hiệu đưa sản phẩm gạo sạch đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Hoàng Hà