Tình trạng đất đai bị suy thoái do cách canh tác "bóc lột" đất, cây trồng, lạm dụng chất kích thích tăng trưởng, bón quá nhiều phân vô cơ để đẩy năng suất lên cao đang ngày một gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nông dân mà còn làm môi trường ô nhiễm vì hóa chất. Đồng thời làm những sinh vật có ích như tôm, cua, ếch, nhái… dần bị tuyệt chủng.
Thay đổi cách thức sản xuất
Hiểu được mặt trái của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên HTX An Lộng đã đi đến quyết định thực hiện trồng lúa hữu cơ để bảo vệ “sức khỏe” đất, nguồn nước, cây trồng. Đây cũng chính là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho con người.
Trên diện tích 10 ha lúa, thời gian gần đây HTX không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vụ xuân vẫn đạt trên 2 tạ/sào, vụ mùa 1,7-1,9 tạ/sào. Người dân vẫn bắt được cá, cua ở đồng về phục vụ bữa ăn hàng ngày mà không phải lo lắng việc ngộ độc thực phẩm.
Có được điều đó là do HTX đã thực hiện kỹ thuật cấy máy, ủ phân hữu cơ, đồng thời cán bộ kỹ thuật của HTX còn phối hợp với UBND xã để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ.
Trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, HTX sử dụng phân bón hữu cơ ủ để bón vào 4 thời kỳ sinh trưởng phát triển chính của cây lúa. Thành viên không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học khi có sâu bệnh xảy ra. Chế độ nước tưới nước cũng thực hiện khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa theo từng giai đoạn.
Trồng lúa nhưng người dân vẫn yên tâm thu hoạch cua vì toàn bộ cánh đồng không sử dụng thuốc hóa học độc hại. |
Ông Đoàn Thọ Hòa, thành viên HTX cho biết khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng. Thay vào đó, ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên.
“Trong quá trình thực hiện mô hình, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tôi và bà con luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa”, ông Hòa nói.
Theo Ban giám đốc HTX, trong quá trình sản xuất lúa nếu lạm dụng phân vô cơ sẽ đem lại tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng đồng thời tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người...
Thế nhưng từ khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đã giúp tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn.
"Càng lạm dụng phân, thuốc hóa học bao nhiêu thì sâu bệnh lại càng nhiều bấy nhiêu, hiệu quả phòng trừ thấp lại phải tăng liều lượng và số lần dùng”, ông Đào Thọ Hòa chia sẻ.
Hiệu quả từ phương pháp thủ công
Hiện nay, nếu lúa có bệnh đạo ôn, HTX khuyến cáo dân đi ngắt bỏ lá bị bệnh, còn gặp rầy thì dùng dầu mazut trộn với 1 thúng cát rắc đều trên mặt ruộng rồi lấy sào rung để rầy rơi xuống, bám dính vào mà chết.
Với chuột, HTX thành lập tổ diệt chuột để hỗ trợ thành viên. Nắm bắt được thời kỳ sinh trưởng phát triển của chuột và của lúa, tổ diệt chuột dùng bẫy hoặc thuốc sinh học để đánh bả. Nhờ đó, tình trạng chuột hoành hành không còn, thành viên cũng không phải sử dụng thuốc diệt chuột hóa học hay nilon quây lúa để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bắt ốc bươu vàng thủ công vẫn được cho là hiệu quả và bảo vệ môi trường. |
Với cỏ dại, HTX khuyến khích người dân làm bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng máy cắt. Đặc biệt, HTX duy trì hình thức bắt ốc bươu vàng thay cho việc dùng thuốc hóa học. Vào đầu vụ, người dân áp dụng hình thức rút nước phơi 15 ngày cho đất khô nứt nẻ để diệt ốc bươu vàng, con nào sót thì bắt nốt rồi mới cấy. Khi lúa tốt, người dân tháo nước vào, có thể thả thêm cá để diệt ốc bươu và tăng thu nhập vì quá trình trồng lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bởi vậy, tuy có nhiều nghề nhưng người dân xã Triệu Hòa không để xảy ra tình trạng ruộng hoang như một số nơi khác, bởi làm ruộng thời trước rất vất vả lại hại sức khỏe. Còn làm ruộng thời nay lại an toàn, không độc hại mà vẫn có lời.
Theo ban giám đốc HTX, nói là thủ công nhưng chỉ thực hiện ở một số công đoạn, còn lại vẫn có sự hỗ trợ đắc lực của máy móc như máy cấy, máy gặt đập liên hợp… từ đó giúp người dân giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất cây trồng lên 15-20%.
Như Yến