Để thuận tiện cho việc sản xuất, HTX xây dựng mô hình cánh đồng mẫu. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu mà xã Trường Long Tây đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo Ban giám đốc HTX, việc sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu sẽ làm chi phí đầu tư giảm, năng suất và giá bán tăng nên giúp người dân nâng cao thu nhập.
Hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường
Trong quá trình canh tác, thành viên được hướng dẫn gieo sạ theo lịch thời vụ, áp dụng các biện pháp canh tác sản xuất lúa theo hướng tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận và thích ứng với biến đổi khí hậu, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Những phương pháp sản xuất này tuy không còn mới nhưng mang lại không ít ưu điểm như: thân thiện với môi trường, giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, giúp cây lúa phát triển tối ưu. Đặc biệt là hạn chế sâu bệnh trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.
Đi cùng với cơ giới hóa đồng ruộng, HTX đưa máy bay không người lái vào phục vụ phun thuốc trừ sâu. Máy bay không người lái có thể phun trên diện tích rộng và những địa hình phức tạp trong phạm vi điều khiển 7.000m. Máy bay mang 10 lít nước, công suất phun đạt 2-3ha/giờ. Đặc biệt, sử dụng máy bay không người lái sẽ an toàn hơn vì người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ hiện đại này còn giúp giảm tác động của thuốc đến môi trường, nhất là nguồn nước, đất.
Sử dụng máy bay không người lái, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. |
Theo các thành viên, sau khi phun bằng máy bay, qua theo dõi thấy lúa hấp thu thuốc tốt, hạt bóng và đặc biệt lúa không bị đổ ngã ở những đường phun như phun xịt thông thường. Chi phí cho một lần phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái dao động 250-300 nghìn đồng đồng/ha. So với thuê nhân công chi phí là hơn 200 nghìn đồng/ha tuy có cao hơn nhưng ngược lại, lợi ích của loại hình này là không hề nhỏ. Chỉ tính riêng lượng thuốc trừ sâu cũng giúp HTX giảm 20-30% so với phun thủ công. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều thành viên và người dân đăng ký sử dụng dịch vụ này.
Hiện, HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện phun thuốc bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, điều thuận lợi là các thành viên đã chủ động liên kết sản xuất, gieo trồng đồng loạt, diện tích tập trung và sử dụng một loại giống…
“Khi thực hiện được việc liên kết hộ, tạo được cánh đồng mẫu lớn, việc phun thuốc bằng máy bay không người lái sẽ hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên HTX cho biết.
Liên kết mở đầu ra
Ngoài sử dụng thiết bị bay phun thuốc, HTX còn đầu tư cơ sở hạ tầng, trạm bơm điện, máy làm đất. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX sản xuất lúa sạch, an toàn, đồng thời đưa tỷ lệ cơ giới hóa bình quân ở các khâu trong sản xuất đạt 85%.
HTX cũng liên kết được với doanh nghiệp nhận bao đầu ra. Theo đó, HTX và doanh nghiệp sẽ chốt ngày thu hoạch cũng như giá cả. Ở vụ thu hoạch năm nay, giống lúa OM 18 được thu mua với giá 7.000 đồng/kg, còn giống Jasmine 85 là 6.500 đồng/kg. Giá này được các thành viên đồng thuận rất cao vì bảo đảm có lãi. Theo tính toán, nhờ áp dụng sản xuất theo hướng hàng hóa, năng suất trung bình đạt 7-7,5 tấn/ha.
Khi tham gia HTX, ngoài được hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa tăng hiệu quả kinh tế, nông dân còn được hưởng lợi từ các công trình giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa đang thu hút được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. |
Trải qua không ít khó khăn, đến nay, HTX Phước Trung đã trở thành mô hình sản xuất hàng hóa tiêu biểu trên địa bàn và thu hút 107 thành viên. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất với các tổ hợp tác sản xuất lúa ở các ấp trên toàn xã. Năm 2020, HTX mở rộng hoạt động, đa dạng dịch vụ, triển khai xây dựng nhà kho, trang bị máy sấy lúa và sắp tới là bổ sung thêm máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm phục vụ việc nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và giảm giá thành và hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, bộ máy quản trị HTX ngày càng được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm khi hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn.
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, HTX còn tham gia mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn thực phẩm gắn với bao tiêu sản phẩm được hỗ trợ từ nguồn kinh phí theo Nghị định 62 của Chính phủ. Đây là lực đẩy để Phước Trung đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng tập trung, áp dụng kỹ thuật tiến bộ, tăng năng suất và giảm giá thành, từng bước xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo hướng an toàn và tiếp tục nâng cao vai trò của HTX. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia và mở rộng sản xuất tập trung theo quy mô lớn.
Như Yến