Trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tây Ninh”, tỉnh Tây Ninh lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Phấn đấu 100% số xã đạt nông thôn mới
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thuỷ sản bình quân từ 2 - 2,5%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 4%/năm. Phấn đấu tăng thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,1%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 40%.
![]() |
Tỉnh Tây Ninh phấn đấu năm 2030 tăng thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. |
Phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với mục tiêu lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, định hướng đến năm 2050, Tây Ninh phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Đặc biệt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh đánh giá, HTX vẫn là hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tập trung nguồn lực, đặc biệt tập trung đất đai để sản xuất lớn. Trong việc xây dựng nông thôn mới, HTX cũng đóng vai trò nòng cốt khi thực hiện các hình thức sản xuất theo quy hoạch, thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình kinh tế tập thể điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Một số HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như HTX mãng cầu Thạnh Tân (TP.Tây Ninh), HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên)...
Đến cuối năm 2021, Tây Ninh có 161 HTX, tăng 112 HTX (số lượng HTX năm 2001 là 49 HTX). Doanh thu bình quân của 1 HTX tăng từ 12,1 tỷ đồng/năm vào năm 2001 lên 16 tỷ đồng năm 2021. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX cũng tăng từ 17 triệu đồng/người năm 2001 lên 75 triệu đồng/người năm 2021.
Được biết, HTX mãng cầu Thạnh Tân là một trong những HTX tiên phong tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Hà Chí Mãng, Giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân cho biết, với tiêu chí “4 không” gồm: không sử dụng thuốc trừ sâu bằng hóa chất, không phun thuốc tăng trưởng, không bón phân vô cơ, không thuốc bảo quản và “4 đúng”: Đúng phân thuốc hữu cơ sinh học, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Mục đích của hướng canh tác này là không chỉ chú trọng phát triển sản xuất ở hiện tại mà còn tính tới tương lai trong việc cải tạo đất, làm cho đất ngày càng màu mỡ, tốt hơn, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trên vườn cây của người nông dân. Một điều quan trọng nữa là sản phẩm mà nông dân làm ra sẽ được thị trường đón nhận, nâng niu hơn sản phẩm thông thường”, ông Mãng chia sẻ.
HTX mắt xích nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Ông Mãng cho biết thêm, nhờ đẩy mạnh liên kết, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với sự hiệu quả của mô hình sản xuất, HTX đã thu hút được 18 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90 ha, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật tiến tiến như áp dụng công nghệ tưới để tiết kiệm nước, bảo quản để chậm chín… Là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm.
Từ những trăn trở và sự đam mê thôi thúc ông Mãng tiến hành xây dựng đề án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm từ trái mãng cầu. Vừa qua, HTX được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2019- 2020 hỗ trợ 10,5 tỷ đồng, HTX đối ứng phần còn lại. Dự án gồm các hạng mục, nhà máy xử lý bảo quản chậm chín trái mãng cầu và nhà máy chế biến, đóng hộp nước mãng cầu theo tiêu chuẩn HACCP công suất 2-5 tấn trái/ngày, cửa hàng giới thiệu sản phẩm…
"Nhà máy đi vào hoạt động, qua đó giải quyết một lượng lớn đầu ra cho trái mãng cầu của HTX và người trồng mãng cầu trong vùng dự án, chấm dứt tình trạng mãng cầu bán giá thấp do không bảo quản được lâu, qua đó còn giúp nâng cao giá trị trái mãng cầu, cải thiện thu nhập cho người nông dân", ông Mãng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng đẩy mạnh xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó giúp gia tăng giá trị những sản phẩm có lợi thế của địa phương. Năm 2021, tỉnh Tây Ninh đã xếp loại được 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong đó, 3 sản phẩm từ trái mãng cầu gồm trái mãng cầu, rượu mãng cầu và nước ép mãng cầu được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá đạt hạng 4 sao.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh đánh giá: Chứng nhận OCOP là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mãng cầu, sau mãng cầu trên thị trường. Địa phương kỳ vọng, thông qua chương trình sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn.
Nhật Minh