Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu có 75/93 xã đạt chuẩn NTM.
Phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt
Trong số đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Giai đoạn 2021 – 2025, Bình Thuận phấn đấu có 75/93 xã đạt chuẩn NTM. (Ảnh: Int) |
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, xây dựng NTM là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.
Để đạt mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy trình, thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện một số chính sách thu hút phát triển nông nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh Bình Thuận.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP
Hiện toàn tỉnh có 70 sản phẩm được công nhận từ sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Theo đó, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương thông tin, vận động và tổ chức cho các chủ thể chủ động, linh hoạt liên kết với nhau đăng ký tham gia một số chương trình hội chợ, triển lãm tại một số tỉnh, thành như An Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Sơn La, Bình Định, Gia Lai…
Bên cạnh đó, đầu năm 2022, tỉnh đã đưa vào hoạt động 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Phan Thiết; đưa một số sản phẩm OCOP vào siêu thị bày bán; giới thiệu quảng bá trên trang web: sanphamdiaphuong.com.vn;htx.cooplink.com.vn của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Thông qua các sự kiện, điểm bán sản phẩm OCOP, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn.
Cửa hàng Co.op Thuận Minh Phát bày bán đa dạng các sản phẩm chăn nuôi của Thuận Minh Phát và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Bình Thuận. (Ảnh: Int) |
Tại huyện Hàm Thuận Nam, HTX Thuận Minh Phát (xã Hàm Cần) đã xây dựng Cửa hàng Co.op Thuận Minh Phát để bày bán đa dạng các sản phẩm chăn nuôi của chính HTX và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Bình Thuận và một số tỉnh khác như Đăk Lăk, Lâm Đồng...
Nhiều sản phẩm chăn nuôi tươi sống và chế biến của HTX bày bán tại cửa hàng như thịt bò tươi – bò khô, thịt dê, gà ta, vịt, thỏ và các sản phẩm măng tre Hàm Cần tươi và khô; các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao của tỉnh như: rong nho, nước mắm, nước ép thanh long, hạt điều…
Anh Tô Đình Vương, đại diện HTX Thuận Minh Phát cho biết, HTX thành lập vào tháng 5/2021 với 17 thành viên, trong đó kết nối 7 hộ đồng bào Rai tại xã Hàm Cần tham gia vào HTX trồng cỏ, trồng bắp bán cho HTX thúc đẩy chăn nuôi.
HTX đang khai thác các lĩnh vực chăn nuôi, cung ứng con giống và thức ăn chăn nuôi, tư vấn kỹ thuật thú y liên kết chăn nuôi và bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Hiện, đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi của HTX được chăn nuôi theo hướng an toàn hướng đến cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Các sản phẩm chăn nuôi của HTX hiện đã đăng ký tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP huyện Hàm Thuận Nam năm 2022.
“Góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, từ khía cạnh phát triển sản xuất gắn với thế mạnh địa phương, tỉnh đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, đặc biệt là quảng bá giới thiệu đối với 70 sản phẩm OCOP được công nhận, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân các địa phương trong tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Trang cho biết.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác triển khai OCOP vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là đa số các sản phẩm OCOP là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, thương mại điện tử còn hạn chế.
Bàn về giải pháp, một số ý kiến cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, qua đó có hợp đồng các sản phẩm từ các chủ thể tạo chuỗi liên kết bền vững, giải quyết đầu ra cho sản phẩm OCOP...
Còn về phía các HTX đang trăn trở thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Một số HTX đề xuất các sở, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP của địa phương...
Nhật Nam