Những năm gần đây, HTX nông nghiệp Long Bình được xem là “ngôi nhà chung” của nông dân canh tác xoài keo vàng theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Khánh Bình (huyện An Phú). Hiện nay, HTX có 105 thành viên, tổng diện tích canh tác hơn 620ha.
“Ngôi nhà chung” của nông dân trồng xoài keo
HTX này chọn thị trường khó tính nhất, đưa ra quy trình sản xuất cho nông dân. Đây là hướng đi đúng giúp HTX nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, chinh phục thị trường hơn 10 quốc gia: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Châu Âu, Nga…, và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả Nafoods, Doveco, Antesco…
HTX nông nghiệp Long Bình được xem là “ngôi nhà chung” của nông dân canh tác xoài keo. |
HTX nông nghiệp Long Bình cũng đang liên kết dự án chuỗi cung ứng giá trị của Cộng hòa Liên bang Đức do UBND tỉnh An Giang giới thiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở huyện An Phú.
Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc HTX, cho biết thời gian qua, đơn vị nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cũng như các sở, ngành trong việc tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục hành chính... Nhờ đó, việc canh tác của các thành viên gặp nhiều thuận lợi, lợi nhuận năm sau đều tăng so năm trước.
Nhờ vào hoạt động hiệu quả của HTX như vậy đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm cho nông dân địa phương. Bà con ở Khánh Bình đã tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cây xoài keo. Nhờ đó góp phần vào công tác giảm nghèo ở xã từng bước bền vững, tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,68%, xã cũng đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 4 năm.
Cùng với HTX nêu trên, tính đến nay huyện An Phú có 21 HTX nông nghiệp với 1.150 thành viên; 83 tổ hợp tác với 940 thành viên. Trên địa bàn huyện, có 5 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gồm: HTX dịch vụ công nghệ cao DH farm sản xuất dưa lưới trong nhà màng diện tích 6.000 m2; HTX nông nghiệp Long Bình sản xuất xoài keo diện tích 150 ha theo tiêu chuẩn VietGap; HTX công nghệ cao Phước Hưng sản xuất rau màu trong nhà màng diện tích 2.000 m2; HTX nông nghiệp Khánh An sản xuất dưa lưới, dưa lê trong nhà màng diện tích 3.000 m2; HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hưng Thịnh Farm trồng dưa lưới trong nhà màng diện tích 1.500 m2…
Thúc đẩy chuỗi liên kết nông sản
Với quyết tâm xây dựng nông thôn mới, huyện biên giới An Phú hiện đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, tái cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn huyện An Phú hiện có 5 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |
Đối với rau màu, huyện tiếp tục đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết với HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Huyện cũng hỗ trợ nông dân, HTX về kỹ thuật sản xuất (ứng dụng nhà lưới, nhà màng), góp phần tăng giá trị sản phẩm rau màu.
Đối với cây ăn trái, huyện An Phú thúc đẩy hành lập mới, củng cố lại HTX, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ…Song song đó, huyện tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp liên kết với HTX nhằm giải quyết đầu ra cho các loại cây ăn trái chủ lực của huyện.
Nổi bật như hồi năm 2022, huyện An Phú được công nhận 350ha sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGap, trong đó có vai trò tích cực của HTX nông nghiệp Long Bình. Ngoài ra, trong huyện có HTX công nghệ cao DH farm đang liên kết sản xuất và tiêu thụ Công ty Nafoods với sản lượng 2.000 tấn/năm xuất đi các nước Châu Âu…
Huyện An Phú cũng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang hỗ trợ cấp 64 mã số vùng trồng trên cây xoài keo (1.598ha, chiến 78% tổng diện tích xoài của huyện), cho 5 đơn vị, gồm: HTX xoài Long Bình (38 mã, diện tích 843ha), HTX công nghệ cao DH farm (2 mã số, 415ha), Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) và Công ty Kim Nhung (tỉnh Đồng Tháp) 24 mã số, diện tích 345ha. Hầu hết đơn vị được cấp mã số vùng trồng đều được công ty liên kết, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm xoài keo của huyện An Phú.
Sản phẩm xoài keo của HTX Long Bình cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao; sản phẩm xoài keo HTX công nghệ cao DHfarm được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm xoài keo của huyện An Phú tăng giá trị sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu.
Huyện An Phú luôn xem việc ưu tiên nâng cao thu nhập và đời sống của người dân theo đúng ý nghĩa thiết thực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhất là hoạt động hiệu của nhiều HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các xã trong huyện. Đặc biệt, HTX nông nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp của người dân.
Giúp địa phương ngày thêm khởi sắc
Đơn cử như ở xã Phước Hưng (huyện An Phú) có HTX công nghệ cao Phước Hưng sản xuất rau màu trong nhà màng diện tích 2.000 m2. Vùng rau màu của xã có diện tích 40ha, được tỉnh An Giang đầu tư 3 đường ra cánh đồng và xây dựng trạm bơm, thực hiện hệ thống tưới hiện đại.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX ở xã Khánh An (huyện An Phú). |
Thời gian qua ngành nông nghiệp của huyện An Phú đã tổ chức tập huấn, trình diễn một số mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao cho nông dân trong vùng sản xuất; phối hợp UBND xã Phước Hưng thành lập HTX rau màu, tạo điều kiện cho HTX hoạt động có hiệu quả và liên kết đầu ra cho sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ HTX rau màu Phước Hưng đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP theo đề án mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh An Giang.
Nhờ những nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã góp sức cho xã Phước Hưng được UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2022. Thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo đổi mới, đời sống nhân dân xã khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Hoặc như Khánh An là xã đầu nguồn biên giới của huyện An Phú. Từ năm 2016 xã này đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và cũng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. Từ nay đến năm 2025, huyện An Phú đã chọn xã Khánh An xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí nâng cao.
Để hoàn thành mục tiêu này thì việc phát triển kinh tế hợp tác đang được xã Khánh An tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến vai trò của HTX nông nghiệp Khánh An với mô hình trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng với tổng diện tích 3.000m2 đang rất hiệu quả.
Trung bình mỗi nhà màng có diện tích 1.000m2, HTX này đặt được 3.000 giá thể, tương đương với 3.000 cây dưa. Sau khoảng 3 tháng trồng và chăm sóc, có thể thu hoạch khoảng 3 tấn trái/nhà màng (trọng lượng trung bình 1kg/trái). Một năm HTX trồng được 3 vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích. Với giá bán thấp nhất cũng từ 30.000đồng/kg, lúc giá tốt thì từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, HTX có thể thu lãi khoảng 30% trên tổng thu nhập.
Mô hình của HTX này đang được các nông dân trong và ngoài xã tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau sản xuất hiệu quả. Mô hình cũng góp phần thay đổi tư duy của người dân từ canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu của thị trường, phát triển nông nghiệp bền vững.
Thanh Loan
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |