Đắc Lua là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, cách trung tâm tỉnh Đồng Nai gần 200 km nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều hạn chế. Tuy vậy, địa phương này đã có nhiều nỗ lực đạt được chuẩn xã nông thôn mới và đang vào cuộc mạnh mẽ để tiến tới hoàn thành các tiêu chí nhằm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Điểm sáng từ vượt khó đi lên
Nhờ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân xã Đắc Lua ngày càng được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn khác hẳn những tháng năm xưa, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, điều này góp phần mang lại diện mạo tươi mới cho bà con địa phương vùng sâu, vùng xa.
Ở xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) đang có 300ha diện tích trồng dâu nuôi tằm với trên 50 hộ nuôi tằm. |
Đến nay ở xã này đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, như dâu tằm, bưởi da xanh, sầu riêng và thành lập được một số HTX, tổ hợp tác. Trong đó phải kể đến nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực của người dân Đắc Lua. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển trên 300ha diện tích trồng dâu nuôi tằm với trên 50 hộ nuôi tằm.
Để duy trì và phát triển nghề ươm tơ, bà con nơi đây đã thành lập Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Đắc Lua để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó, ở xã còn có 20 hộ đã liên kết thành lập HTX Dịch vụ sản xuất tằm tơ Duy Đông. Nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm và phát triển kinh tế hợp tác hiệu quả cao tại xã Đắc Lua đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng nâng lên, cho thu nhập trên 160 triệu đồng/ha/năm.
Còn ở xã Phú Điền (huyện Tân Phú), những năm gần đây, địa phương này đang trở thành điểm sáng về vượt khó đi lên để xây dựng nông thôn mới.
Cách đây 3 năm xã Phú Điền được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và đang tăng tốc để cán mức đích thứ 3 là xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại một số địa bàn dân cư trong các ấp vào năm 2023.
Thời gian qua Phú Điền đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn như: VietGap, GlobalGap…để nhân rộng mô hình.
Bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã Phú Điền đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Các vùng trồng cây lúa năng suất cao trên địa bàn 4 ấp, nuôi trồng thủy sản, các loại hoa màu, trồng sen và cây dâu tằm. Tổng diện tích trồng lúa và các loại cây trồng của xã là trên 1,1 ngàn ha. Đặc biệt, xã đã xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây lúa, toàn bộ diện tích sản xuất này được tưới, tiêu chủ động và có áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Phấn khởi cùng “bà đỡ” HTX
Đặc biệt, tại xã Phú Điền đã hình thành mô hình trồng lúa hữu cơ và đang được thử nghiệm trên diện tích 15ha. Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc HTX Lúa sạch Năm Sao thuộc xã Phú Điền cho biết, bà con nông dân đang trồng thử nghiệm 15ha lúa hữu cơ tại cánh đồng lớn Đồng Hiệp với các loại giống cho năng suất cao như: giống 5451, đài 08, lúa tím (Vĩnh Hảo).
Trồng sầu riêng chuẩn VietGap ở HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An giúp cho nhiều hộ dân địa phương có đời sống khấm khá. |
Đây là những giống lúa cho năng suất và chất lượng hạt gạo tốt. Trong quá trình chăm sóc cây lúa, ông Thuận đã tập trung tìm hiểu các loại phân bón sinh học phù hợp để cùng nông dân trong HTX canh tác. Do đó, các ruộng lúa thử nghiệm hữu cơ có biểu hiện ít lá mà nhiều bông, hứa hẹn vụ mùa năng suất cao, bà con ai nấy đều phấn khởi.
HTX Năm Sao hiện có 16 thành viên với 47ha. HTX đang vận động các hộ dân đăng ký làm lúa hữu cơ nhằm tạo thương hiệu riêng cho lúa sạch vùng cao Tân Phú.
Ngoài 2 địa phương trên có sự trợ lực từ “bà đỡ” HTX, phải kể thêm đến xã Phú An - nơi có HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An là một điển hình về phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Tân Phú. Đến nay HTX đã được cấp 1 mã vùng trồng cho 17 hộ với tổng diện tích 122 ha Sầu riêng.
HTX này đã và đang tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả với 200 ha sầu riêng đã đạt chuẩn VietGap và tiến hành xuất khẩu thành công qua thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Ông Phạm Văn Nhanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An, cho biết đã hướng dẫn cho thành viên HTX và hội viên nông dân đăng ký thủ tục mã vùng trồng, đến nay HTX đã được cấp 1 mã vùng trồng cho 17 hộ với tổng diện tích 122ha sầu riêng.
Theo ông Nhanh, hiện xã Phú An có khoảng 600ha sầu riêng và cũng đã thành lập thêm 3 tổ hợp tác. Việc làm mã vùng trồng cho cây sầu riêng rất quan trọng vì sẽ được mua bán, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc chứ không phải buôn bán trôi nổi thông qua thương lái như trước đây, do vậy sắp tới HTX sẽ nỗ lực để chuẩn hóa quy trình nhằm mở rộng thêm diện tích vùng trồng được cấp mã số.
Cũng theo giám đốc HTX Phú An, hiện nay bà con trồng sầu riêng trong xã rất phấn khởi cũng nhờ có mã vùng trồng và áp dụng những khoa học kỹ thuật tiến bộ.
“Lúc đầu bà con địa phương trồng sầu riêng gặp khó khăn thứ về khoa học kỹ thuật, chưa nắm rõ quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những dịch bệnh trên cây sầu riêng vẫn còn xảy ra. Trải qua bao nhiêu năm thì họ cũng nhuần nhuyễn nhờ tham gia các buổi hội thảo để nắm bắt khoa học kỹ thuật do HTX phối hợp tổ chức”, ông Nhanh chia sẻ.
Dẫn dắt nông dân cùng làm giàu
Riêng bản thân ông Nhanh có 7ha trồng sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình trên 4 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 13 lao động thời vụ.
Mục tiêu của huyện Tân Phú là đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. |
Bà Lại Thị Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết trong số những người đầu tiên của Phú An gắn bó với cây sầu riêng thì ông Nhanh là một trong những người thành công nhất. Từ hộ trước đây khó khăn trở thành hộ giàu của địa phương, hàng năm thu nhập từ cây sầu riêng của ông rất lớn.
Như chia sẻ của bà Thảo, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An để được cấp mã số vùng trồng và hoạt động bài bản như hiện nay thì công của ông giám đốc cũng rất lớn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Nhanh cũng đóng góp rất nhiều, đóng góp kinh phí làm đường, hỗ trợ cho những hộ khó khăn ở địa phương.
Nhờ nỗ lực phấn đấu và có những bước đi mạnh dạn trong sản xuất mà ông Nhanh không chỉ giúp mình vươn trở thành lên thành tỷ phú, qua đó còn dẫn dắt nhiều nông dân ở địa phương phát triển hiệu quả mô hình trồng sầu riêng, mang lại thu nhập cao cho người dân trong vùng.
Từ việc phát triển hiệu quả một HTX trồng sầu riêng như vậy đã và đang góp phần giúp cho xã Phú An tiến tới hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao sau khi về đích nông thôn mới hồi năm 2018. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã này đạt 78 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất đạt 196 triệu đồng/ha.
Tính đến nay, toàn huyện Tân Phú có 9/17 xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới nâng cao là (Phú Điền, Phú Lâm, Phú Thanh, Phú Xuân, Phú Lộc, Phú Bình, Tà Lài, Phú Trung và Trà Cổ). Trong năm 2023, có 5 xã phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Vốn dĩ từng là một huyện nghèo, ở vùng sâu, vùng xa nên những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới của Tân Phú là rất đáng ghi nhận. Nhưng để tiến tới đạt mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 thì huyện này sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong đó, rất cần các HTX, tổ hợp tác trong huyện cần phát huy vai trò của mình.
Tính đến nay, toàn huyện có 85 tổ hợp tác với 2.780 thành viên và 45 HTX với 2.680 thành viên. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc thường xuyên trong HTX là 775 lao động.
Điều kỳ vọng là các HTX, tổ hợp tác ở huyện ngày càng tham gia sâu vào các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Nhất là HTX liên kết với doanh nghiệp và hộ nông dân, tạo ra các liên kết bền vững để tạo ra sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản. Có như vậy sẽ giúp đời sống nông dân và kinh tế huyện Tân Phú ngày càng đi lên.
Thanh Loan