Ở xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) có HTX Cây ăn trái Tân Mỹ một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và điển hình của tỉnh. HTX có 22 thành viên, với tổng diện tích canh tác trên 60 ha, trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới.
Nhìn từ “điểm sáng” Tân Mỹ
Tổng sản lượng sản xuất của HTX này hiện đạt trên 300 tấn/năm, doanh thu trung bình hơn 18 tỷ đồng/năm, đạt lợi nhuận gần 2,8 tỷ đồng, đã tạo việc làm cho 36 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 90 triệu đồng/người/năm.
Các sản phẩm trái cây chủ lực của huyện Bắc Tân Uyên có sự đóng góp rất lớn từ các HTX, tổ hợp tác. |
HTX Cây ăn trái Tân Mỹ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. HTX xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử mã code QR để truy xuất nguồn gốc.
Với những nỗ lực đó, hiện nay sản phẩm của HTX này được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm bưởi của HTX còn đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc và Singapore.
Thời gian qua HTX Cây ăn trái Tân Mỹ đã thử nghiệm thành công trồng bưởi da xanh, bưởi đường lá cam trên nền hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc hóa học và đạt được năng suất, chất lượng cao.
Ngoài ra, theo ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, hướng tới sản phẩm hữu cơ, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, HTX đang nghiên cứu làm phân bón hữu cơ để thay thế phân bón hóa học. Bên cạnh đó, gần đây mở rộng sản xuất muối tiêu lốp xuất phát từ ý tưởng “muối tiêu chấm với bưởi da xanh để tạo ra vị “ngon lạ”.
Cũng ở xã Tân Mỹ còn có HTX Nông nghiệp tổng hợp môi trường Đại Thành Nguyên là HTX về lĩnh vực môi trường đầu tiên hoạt động tại huyện Bắc Tân Uyên. Hoạt động hiệu quả của HTX đã đáp ứng được nhu cầu thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại diện mạo xanh - sạch - đẹp hơn cho xã.
Ông Nguyễn Công Điện, Giám đốc HTX Đại Thành Nguyên, cho biết HTX hiện có 1 xe tải trọng tải 9m3, trung bình 1 ngày thu gom được 27m3 rác. Để làm tốt công tác vệ sinh môi trường, HTX chuẩn bị đầu tư thêm 1 xe phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác và luôn phấn đấu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Khai thác hiệu quả cây ăn trái có múi
Theo người dân Tân Mỹ, để có được môi trường sạch như hiện nay một phần nhờ địa phương đã quan tâm, chú trọng đầu tư thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, HTX Đại Thành Nguyên đóng vai trò tích cực trong công tác bảo vệ môi trường và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Người nông dân ở Bắc Tân Uyên ngày càng khấm khá nhờ tham gia vào các HTX trồng cây có múi. |
Ngoài 2 HTX nêu trên, ở xã Tân Mỹ còn có HTX Nông nghiệp thương mại du lịch và vận tải Chín Nghĩa, HTX Thương mại - dịch vụ và Vận tải Hiệp Tiến Thành và 2 tổ hợp tác (chuyên nấu ăn, đãi tiệc buôn bán, kinh doanh các loại hoa lan, phụ kiện bơm tưới và phân bón).
Nhờ vào việc phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn mới ở xã Tân Mỹ ngày càng thêm khởi sắc, số hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Nhất là nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây có múi như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, quýt, cam, nhiều hộ dân nơi đây trở nên giàu có, đóng góp rất nhiều giúp cho địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao hồi năm 2021.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua việc vận động được sự đóng góp của đông đảo người dân trên địa bàn xã, xã Tân Mỹ cũng tập trung cao độ nhằm tiến tới mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với với phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương nêu trên, tính đến nay trên toàn huyện Bắc Tân Uyên có 32 tổ hợp tác đang hoạt động với 175 thành viên và 27 HTX với 258 thành viên cùng 366 lao động thường xuyên.
Trong đó phải kể đến HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ và vận tải Dân Tiến ở xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) được đánh giá là khá năng động trong việc tận dụng vườn cây ăn trái có sẵn để mở thêm dịch vụ du lịch nhà vườn…
HTX này có tổng diện tích canh tác cây ăn trái là 50ha (chủ yếu là trồng cây có múi), đã cho thu hoạch được 6 năm, với sản lượng bình quân khoảng 50 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân của thành viên HTX đạt trên 100 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Dân Tiến, cho biết nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp đã giúp HTX làm ra sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn, và mẫu mã đồng nhất để dễ dàng tiếp cận thị trường.
Hoặc như HTX Nông nghiệp - thương mại dịch vụ Năm Hạng ở xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên) với sản phẩm cam sành đạt OCOP 4 sao. Ngoài ra, cách đây 3 năm, có 8,9ha trồng cam sành của ông Nguyễn Hữu Hạng (tức ông Năm Hạng), Giám đốc HTX, đã được chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu.
Ông Năm Hạng cho biết, thời gian qua HTX được sự hỗ trợ rất nhiều từ ngành nông nghiệp về chính sách vốn vay ưu đãi, đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi số…Nhờ đó đã giúp cho HTX hoạt động hiệu quả và phát triển đi lên.
Phát huy vai trò động lực trong xây dựng huyện nông thôn mới
Theo đánh của UBND huyện Bắc Tân Uyên, các tổ hợp tác và HTX trong huyện đang hoạt động ổn định, bảo đảm thu nhập cho thành viên. Các mô hình kinh tế hợp tác đã thực hiện nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cho đông đảo thành viên và người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của huyện.
Từ việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác đã giúp huyện Bắc Tân Uyên triển khai hiệu quả việc phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Nhất là các tổ chức kinh tế hợp tác ở huyện này đã giúp nhau vay vốn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đến với người nông dân. Đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác đã khai thác hiệu quả cây ăn trái có múi, chăn nuôi gà, vịt, khoáng sản...đã phát huy hiệu quả, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, cùng khai thác, tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, huyện Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các HTX, tổ hợp tác bảo đảm tính bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, gắn với tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cấp, các ngành hướng dẫn khắc phục dần những hạn chế, yếu kém của tổ hợp tác, HTX, tư vấn, hỗ trợ hoạt động theo đúng quy định.
Từ việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã giúp Bắc Tân Uyên triển khai hiệu quả việc phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất bảo đảm quy hoạch, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Điều này cũng phát huy vai trò động lực quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong huyện. Sau gần 3 năm (2021-2023) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn mới đã có nhiều thay đổi sáng lạn, đời sống nhân dân dần được cải thiện.
Tính đến hồi giữa năm 2023, huyện Bắc Tân Uyên được cho là đủ tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Huyện đã thực hiện đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Trong huyện hiện có 7/8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Cũng nhờ một phần vào sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác mà đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện thực hiện đạt 2.765 tỷ đồng, tăng bình quân 7,6% mỗi năm. Trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng 78,58%, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 21,42%. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt 2.758 ha với các loại cây trồng có giá trị, như: Bưởi, cam, quýt, chuối, mít, sầu riêng. Trong đó, diện tích chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 293 ha, tăng 90 ha so với năm 2020.
Thanh Loan
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |