Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đánh giá, để thích ứng với BĐKH trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã có nhiều cách làm và phương thức đa dạng. Trong đó, việc xây dựng và phát triển các HTX để huy động sức mạnh tập thể được coi là phù hợp hơn cả.
HTX đóng góp vào tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM
Chính vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH hiệu quả ở mỗi vùng, cho mỗi hệ thống canh tác nông nghiệp để nhân rộng. Cũng như phát triển các mô hình cộng đồng HTX nông nghiệp ứng phó với thiên tai, BĐKH... mô hình làng sinh thái, mô hình làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH, mô hình NTM ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường.
Thích ứng với BĐKH nhằm đảm bảo các tiêu chí về xây dựng NTM đang được các HTX hướng đến. |
“Tuy nhiên, để xây dựng NTM thích ứng với BĐKH đạt được mục tiêu đề ra, cần có nhiều nỗ lực trong nhận thức và tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở và người dân. Bởi lẽ, còn phụ thuộc vào chất lượng của khâu quy hoạch, nên các địa phương phải tính toán và xác định phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp. Lồng ghép các nội dung về thích ứng với BĐKH vào tiêu chí xây dựng NTM, cần phải thực hiện đồng bộ ở các địa phương trong tỉnh”, ông Đặng Kim Cương nhấn mạnh.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận cần hỗ trợ sản xuất cho người dân, HTX bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Ngoài ra, để góp phần vào tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, cũng cần ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản. Phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTX nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng BĐKH.
Nhờ đó, các mô hình HTX thích ứng với BĐKH ở Ninh Thuận đã dần hình thành trong thời gian qua và đạt được những hiệu quả nhất định. Trong đó, phải kể đến HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp theo hướng hữu cơ tuần hoàn.
“Có thể thấy HTX là lực lượng cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà cho xây dựng NTM bền vững. Thời gian qua, các HTX trong tỉnh đã chung sức thực hiện phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt là những nỗ lực hoàn thành tiêu chí số 17 – tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Phát triển công nghệ cao ứng phó với BĐKH
Nhờ sự linh hoạt thay đổi hướng sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu nên một số HTX đã đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đã thu lại những "quả ngọt" cho mình.
Các HTX đã góp phần tích cực trong chuyển đổi mô hình sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM địa phương. |
Được thành lập vào năm 2016, ban đầu chỉ có 13 thành viên với số vốn hơn 100 triệu đồng, nhưng đến nay, doanh thu của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã lên đến hơn 3 tỷ đồng/năm. HTX đã tạo việc làm cho gần 250 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người dân tộc Chăm, thành công này có được chính là từ việc HTX đã vận động thành viên chuyển 53 hecta rau màu sang trồng măng tây xanh và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Hùng Ky, Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ: “Sống ở một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hạn hán triền miên, tôi và các thành viên HTX Tuấn Tú hiểu rõ giá trị của việc phát triển sản xuất đi đôi với ứng phó BĐKH”.
Theo đó, HTX Tuấn Tú luôn chú trọng mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại… có nguy cơ gây ô nhiễm.
Trong quá trình sản xuất, các hộ sản xuất của HTX luôn chú trọng ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nước, thu gom xử lý rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường.
Thực tế, đa phần các mô hình nông nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện đều có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ cao và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với BĐKH.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành được 31 nhóm liên kết với 289 hộ tham gia trồng 74 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hầu hết sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và áp dụng máy móc vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đánh giá vai trò của HTX trong việc xây dựng NTM hiện nay: “Huyện Ninh Phước là huyện đầu tiên của tỉnh được đạt chuẩn NTM, trong đó, có đóng góp của các HTX trong bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH vào xây dựng NTM”.
Các HTX đã góp phần tích cực trong chuyển đổi mô hình, tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân, tạo điều kiện để các xã đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận tiến tới xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. HTX đã giúp bà con thành viên từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp họ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác, giảm thiểu tác hại của môi trường.
Kim Yến