Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn lên một tầm cao mới. Kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành. Nhờ đó đến nay, Nam Định đã có 106 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh, trong đó năm 2021 có 93 xã, thị trấn được công nhận.
Một số huyện có kết quả nổi bật như: huyện Hải Hậu đã có 100% số xã, thị trấn; huyện Nghĩa Hưng có 71% số xã; huyện Vụ Bản có 56% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Hướng đến xây dựng NTM thông minh
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, xây dựng NTM phải đặt trong mối liên kết, gắn chặt với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để hướng tới NTM thông minh thì những vấn đề này không thể tách rời.
![]() |
Nam Định xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn... sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất.
Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị.
"Không để phát triển NTM là hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Trong đó phát huy vai trò động lực của HTX về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ", Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết.
Mặt khác, xây dựng NTM là cơ hội định hình lại bản sắc và thế mạnh của các vùng nông thôn, có thể thúc đẩy sự cân bằng và tương tác giữa nông thôn và thành thị. Trong đó khẳng định, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. HTX cũng là cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao
Đặc biệt, HTX đã khẳng định được vai trò trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP gắn với mô hình công nghệ cao nói riêng. Từ đó, nông dân đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
![]() |
Mục tiêu xây dựng NTM ở Nam Định theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa. |
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp đô thị gắn với dịch vụ sinh thái, năm 2016, HTX nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy được thành lập với sự định hướng, hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng. Hướng đi sáng tạo của HTX cũng là chủ trương lớn của thành phố trong tiến trình đổi mới phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, trải qua những khó khăn ban đầu, nhờ thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi và tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, từ đó ứng dụng vào thực tế, một số cây trồng bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là giống khoai tây thuần chủng và cây măng tây.
Từ nguồn hạt giống măng tây nhập khẩu của Mỹ được mua về, gieo trong bầu đất, sau 2 tháng cấy ra luống, khoảng 8 tháng sau là có thể thu hoạch nhiều lần không phải trồng lại. Đến nay, HTX có 2ha trồng măng tây, 2-3ha trồng dưa lê, ngoài ra còn trồng đinh lăng, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm…
Hiện nay, HTX luôn kiên trì với mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao từ khâu cải tạo đất đến quy trình chăm sóc.
Ngoài ra, HTX Nông nghiệp Trường Xuân còn được chọn để ứng dụng thí điểm sản phẩm phân bón Nano của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường, không làm bạc màu đất đai, tăng năng suất, giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, vừa mang lại các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng.
“Hiện nay, nhu cầu của người dân về các sản phẩm nông sản an toàn, áp dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Vì vậy, các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Trường Xuân không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường mà còn góp phần quan trọng mở ra hướng phát triển nền nông nghiệp sạch mang tính hàng hóa, thân thiện với môi trường, rất cần được khuyến khích và nhân rộng”, anh Trần Hữu Chung chia sẻ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đánh giá, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo nhiều áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của nhiều địa phương. Theo đó, các tiêu chí về phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, môi trường, an ninh trật tự… của các địa phương phải vừa đạt tiêu chí NTM nâng cao, vừa đạt tiêu chí về đô thị. Với các tiêu chí khó đạt, cần nguồn vốn lớn và thời gian thực hiện, các địa phương cần tập trung thực hiện, nhất là phải sáng tạo vận động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Mỗi địa phương trong tỉnh tùy vào đặc thù và thế mạnh riêng để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.
Đoàn Huyền