Trong sản xuất nông nghiệp, muốn nâng cao hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều HTX đang vướng vấn đề này.
Chưa yên tâm "đổ vốn"
Huyện Đông Anh (Hà Nội) đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thu hút nhiều người ngoại tỉnh đến sinh sống, là điều kiện thuận lợi để HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo quy hoạch của địa phương.
Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, nhà ở mọc lên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất vùng rau an toàn của HTX. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công lao động ngày càng tăng cao dẫn đến sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả chưa như mong đợi.
Còn tại HTX Tuấn Ngọc, tuy chủ động phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với quá trình đô thị hóa của TP.HCM nhưng việc đầu tư công trình phụ trợ, nhà sơ chế đóng gói cạnh vùng sản xuất của HTX vẫn chưa thể thực hiện vì quy định hiện nay không cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp. Chính vì vậy, HTX cũng khó mở rộng diện tích trồng rau công nghệ cao.
Nhiều quy định pháp luật đang làm khó các HTX trong quá trình đầu tư, mở rộng sản xuất mô hình nông nghiệp công nghệ cao. |
Có thể thấy, các HTX nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn trong quá trình đô thị hoá các quận, huyện vùng ven. Bên cạnh đó, chính sách về xây dựng công trình, quản lý đất đai đang khiến các HTX khó đầu tư sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể là trong Luật Đất đai đang quy định đất phi nông nghiệp được xây dựng kho chứa sản phẩm, nhà để thức ăn gia súc gia cầm, vật tư nông nghiệp; đất nông nghiệp khác được xây dựng nhà kính, còn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không trực tiếp trên đất thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Những quy định này thực sự đang làm khó rất nhiều HTX muốn xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Chẳng hạn như diện tích sản xuất rau VietGAP theo công nghệ cao của HTX nông nghiệp Tân Đức (TP.HCM) hiện là đất sản xuất nông nghiệp, nên chỉ được trồng trọt, chăn nuôi. HTX muốn xây dựng nhà sơ chế, chế biến ngay tại chỗ để đảm bảo nông sản tươi xanh, khép kín quy trình thì phải thực hiện cắt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu không chuyển đổi mục đích hoặc không xin phép xây dựng được, việc xây dựng sẽ vi phạm pháp luật. Trong khi theo ông Ngô Văn Đức, Giám đốc HTX, việc làm thủ tục đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác không hề dễ dàng.
Mở rộng về cơ chế chính sách
Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu về rau màu, nông sản ở các thành phố lớn là không nhỏ. Theo thống kê, hiện nay sản lượng rau củ quả trên địa bàn TP Hà Nội mới chỉ đáp ứng đáp ứng được khoảng 60% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố, còn ở TP HCM là khoảng 30%. Chính vì vậy, phát triển mô hình HTX nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao là điều cần thiết để giúp các địa phương này chủ động nguồn nông sản, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì việc các HTX phải phát triển theo hình thức chắp vá, vừa làm vừa lo lắng, hay phải đầu tư hệ thống nhà phụ trợ một cách tạm bợ sẽ khiến mô hình HTX khó phát triển thành các chuỗi giá trị nông sản hiệu quả. Khi đó, người nông, thành viên HTX sẽ loay hoay bên thửa ruộng của mình; những tiến bộ kỹ thuật cũng không đi vào thực tiễn và nông nghiệp đô thị sẽ mãi là bài toán không có lời giải.
Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng eo hẹp ở nhiều địa phương hiện nay. Cùng với đó, để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các HTX không thể thiếu các công trình phụ trợ.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc của Luật Đất đai là phải sử dụng đất đúng quy hoạch và đúng loại đất. Trong khi thực tế hiện nay, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng thì khó khăn, chủ yếu do quy hoạch nên càng làm khó HTX.
Theo TS.Trương Văn Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các địa phương hiện nay đã được quy hoạch thành đất ở trong tương lai nên HTX không thể đầu tư sản xuất nông nghiệp dài hạn. Ngược lại, quy hoạch đất ở chưa được thực hiện vì thiếu điều kiện hạ tầng nên hiện tại diện tích đất ở đã được quy hoạch lại bị bỏ trống.
Bên cạnh đó, một số quy định như HTX khi xây nhà màng, công trình phụ trợ phải xin phép cơ quan quản lý nhưng điều làm nản lòng các HTX ở đây chính là thủ tục chuyển đổi hiện vẫn còn nhiều vướng mắc vì phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp…
Chính vì vậy, ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý ở địa phương phải cởi bỏ tư tưởng thủ thế, sợ vi phạm pháp luật về quản lý xây dựng, sợ bị lợi dụng để biến tướng trong hoạt động xây dựng công trình phụ trợ. Có như vậy, việc xin phép xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp của HTX mới vơi bớt khó khăn.
Ngoài ra, có thực tế ở nhiều địa phương là để được cấp giấy phép xây dựng công trình phụ trợ, cơ quan quản lý yêu cầu HTX phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác gây nhiều khó khăn. Nếu HTX không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ quan quản lý lại yêu cầu HTX phải cam kết dỡ bỏ, tháo dỡ công trình phụ trợ này khi địa phương có quy hoạch hoặc dùng mục đích khác và không được đền bù.
Theo TS Trương Văn Dũng, chi phí xây dựng nhà màng, công trình phụ trợ là hàng tỷ đồng nhưng với những điều kiện như trên, HTX không thể yên tâm khi đầu tư dài hạn.
Chính vì vậy, muốn tháo gỡ khó khăn cho HTX, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình đô thị hóa, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai, bảo đảm nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Huyền Trang