Năm 2020, xã Vĩnh Hảo xác định có 2 cây trồng thế mạnh của địa phương là cây cam và cây chè. Đồng thời, củng cố lại các HTX, tổ hợp tác (THT) làm chỗ dựa tập hợp sức sản xuất cũng như tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Giao HTX giám sát
Xã Vĩnh Hảo hiện đang có 975 ha cam, trên 800 ha chè, ngoài ra người dân ở đây còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, bán trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, Vĩnh Hảo quyết tâm tái chăn nuôi đàn gia súc theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR), tạo lực đẩy sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị khép kín để đưa sản phẩm đạt chất lượng cao nhất đến người tiêu dùng...
Chúng tôi đến thăm trang trại cam sành của HTX cam sành VietGAP vào đúng lúc người lao động đang chăm bón cho cây. Những gốc cam lâu năm được chăm sóc cẩn thận bằng các loại phân hữu cơ.
Ông Hoàng Quyết Thắng, Giám đốc HTX cam sành VietGAP cho biết, sản xuất của HTX năm nay được tập trung vào khâu chăm bón diện tích cam hiện có để nâng cao chất lượng quả, với phương châm là làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng để có thị trường ổn định.
Từ trồng cam, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng (Ảnh: TL) |
Các thành viên HTX đều thống nhất quan điểm sản xuất sản phẩm sạch, thực hiện giám sát lẫn nhau để làm ra những trái cam vừa ngọt, vừa sạch, vừa đẹp cung cấp cho người tiêu dùng. HTX kiên quyết loại những thành viên làm ẩu, chạy theo số lượng, gây ra hiện trạng được mùa mất giá và làm mất uy tín Cam sành Vĩnh Hảo như trong những năm gần đây.
Chia sẻ về kế hoạch thực hiện sản xuất năm 2020, ông Hoàng Văn Xuân, Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Hảo cho hay, mục tiêu của Vĩnh Hảo năm nay là tái đầu tư 2 loại cây trồng chủ lực là cây cam sành và cây chè.
Đối với cây cam, thực hiện đầu tư trọng tâm theo hướng thâm canh sạch, nâng diện tích từ 456 ha cam VietGAP hiện nay lên trên 700 ha vào cuối năm 2020. Theo đó, xã sẽ hướng dẫn người dân loại bỏ dần những diện tích cam già cỗi. Những hộ thành viên không tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn cũng bị đưa ra khỏi danh mục sản xuất sản phẩm chủ lực địa phương.
UBND xã cùng các hội, đoàn thể của xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong quá trình sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Giao trách nhiệm trực tiếp cho các đồng chí trong Thường trực xã, lãnh đạo các HTX, THT cùng cam kết thực hiện giám sát đối với toàn thể người dân, với quyết tâm đến hết năm 2020, Vĩnh Hảo sẽ có sản phẩm cam sành đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cung cấp cho người tiêu dùng.
HTX trồng chè điểm
Để xây dựng sản phẩm chè, xã cũng xác định lấy các HTX là nòng cốt để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì thực tế hiện nay, các sản phẩm trà sạch, có thương hiệu đều là của các HTX trên địa bàn tỉnh.
Hiện, cả xã có trên 800 ha chè, để có sản phẩm 100% đạt chuẩn VietGAP, xã sẽ cho loại bỏ dần những diện tích chè già cỗi, kết hợp xây dựng chuồng trại để phát triển lồng ghép chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán chuyên canh.
Sự kết hợp như vậy sẽ tạo ra sản xuất khép kín, làm giảm thiểu tối đa chi phí, sức lao động và tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm. Bên cạnh đó, Vĩnh Hảo tiếp tục động viên người trồng chè và Công ty Trà Hoàng Long mở rộng sản xuất.
Nhiều người dân xã Vĩnh Hảo thoát nghèo nhờ cây chè (Ảnh: TL) |
Một mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu sản xuất lần này là Vĩnh Hảo giao trách nhiệm cho các lãnh đạo trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban chấp hành và các đảng viên căn cứ vào điều kiện đất đai, sức lao động để xây dựng cho được các mô hình kinh tế tổng hợp VACR. Từ đó, tạo một vòng sản xuất khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi nhằm tạo ra 100% các sản phẩm nông nghiệp sạch, hướng tới nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình kinh tế VACR đã được Đảng bộ xã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm giao cho HTX, THT và Tổ dân quân của xã thực hiện từ đầu năm 2019 và đã mang lại kết quả khả quan.
Hiện, xã Vĩnh Hảo có trên 175 cán bộ, đảng viên đăng ký đi đầu thực hiện phong trào tái sản xuất dựa vào thế mạnh của địa phương. Đây là những hạt nhân để Đảng bộ xã chỉ đạo nhân rộng mô hình VACR trong tái sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu xây dựng được áp dụng cho từng điều kiện cụ thể về đất đai, nhân lực. UBND xã sẽ thành lập tổ chỉ đạo để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện trong toàn dân.
Để khẳng định việc tái sản xuất theo thế mạnh, ông Hoàng Văn Xuân cho biết, kể từ năm 2020 trở đi, mỗi năm Vĩnh Hảo sẽ cung cấp ra thị trường tiêu dùng khoảng 7.000 tấn cam sành đặc sản, khoảng 2.400 tấn chè búp tươi nguyên liệu đáp ứng cho cơ sở chế biến cùng hàng trăm tấn sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch đạt chuẩn OCOP.
Với những giải pháp sản xuất kinh doanh mà lãnh đạo xã Vĩnh Hảo đưa ra, trong đó lấy HTX, THT làm nòng cốt để xây dựng các sản phẩm chủ lực, kỳ vọng Vĩnh Hảo sớm trở thành xã trọng điểm về phát triển kinh tế có tầm của huyện Bắc Quang. Điều này sẽ góp phần đưa Vĩnh Hảo trở thành một xã xây dựng nông thôn mới thành công và đời sống người dân sẽ thực sự được cải thiện.
Minh Minh