Triển khai chương trình phát triển dược liệu, thời gian qua, các địa phương ở tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng đã thực hiện trồng nhiều giống dược liệu có giá trị kinh tế cao, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đồng thời giúp nhiều hộ dân vùng cao có hướng đi mới trong giảm nghèo bền vững.
Bà con trồng được nhiều cây dược liệu (Ảnh: TL |
Khuyến khích HTX tham gia
Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng có khí hậu thổ nhưỡng khá tốt, là điều kiện để phát triển cây dược liệu. Hiện tại tỉnh này có nhiều hợp tác xã (HTX) trồng và sản xuất dược liệu từ những cây thuốc quý, kết hợp với du lịch cộng đồng đã mang lại đời sống ấm no cho người dân.
Theo lãnh đạo UBND huyện Quản Bạ cho biết, qua nhiều năm trồng dược liệu, đến nay, huyện có tổng diện tích dược liệu là 2.905 ha, trên địa bàn đã có 4 công ty và 6 HTX tham gia trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu. Hiện, huyện đã có 30 sản phẩm bán trên thị trường với đầy đủ nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, có 9 sản phẩm được công bố hợp quy. Năm 2019, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn đạt trên 100 tỷ đồng. Chương trình phát triển dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động.
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 14.433 ha dược liệu các loại, trong đó, diện tích cây dược liệu trong danh mục ưu tiên, như: Atiso, Bạch truật, Bình vôi, Cát cánh… trên 3.400 ha.
Một số địa phương đã hoàn thiện quy trình trồng và thu hái dược liệu theo hướng GACP-WHO đối với 5 loại cây: Đương quy, Ý dĩ, Ngưu tất, Đan sâm; Atiso.
Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư nghiên cứu sâu, phát triển các sản phẩm thực phẩm, chè, thuốc, mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, được đánh giá cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn đều được hỗ trợ để từng bước giải quyết khó khăn trong quá trình hoạt động, như hỗ trợ vay vốn, chuyên môn nghiệp vụ, thủ tục hành chính, phát triển, quảng bá sản phẩm…
Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, các doanh nghiệp đã chủ động đưa dược liệu bày bán tại các điểm dừng chân, du lịch trong và ngoài tỉnh, phối hợp xây dựng các điểm bán hàng chung cho cả hệ thống HTX.
Một số doanh nghiệp, HTX đã thành lập trang bán hàng trên mạng Internet, thúc đẩy hình thành hệ thống phân phối sản phẩm dược liệu đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỉnh đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm dược liệu với CTCP Nam dược Hà Nội, phần nào giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Triển vọng trồng dược liệu
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, việc phát triển cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, nhận thức và tập quán sản xuất của bà con đã có sự chuyển biến từ canh tác cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao và phát triển theo hướng hàng hóa, có niềm tin vào phát triển cây dược liệu để giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số cơ quan chức năng, việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn cần giải quyết một số khó khăn về nguồn giống dược liệu chất lượng để phục vụ sản xuất quy mô lớn. Các sản phẩm dược liệu do người dân tự trồng, như thảo quả, hương thảo, quế, gừng, nghệ… chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là bán dạng thô, giá trị sản phẩm thấp.
Mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu chưa bền vững. Công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu còn thô sơ, chi phí sản xuất lớn, số lượng sản phẩm còn ít, nhiều sản phẩm chưa công bố hợp quy, chưa có nhãn hiệu, khả năng cạnh tranh thấp…
Phát triển dược liệu là hướng đi đúng của chính quyền (Ảnh: TL) |
Một số doanh nghiệp, HTX hoạt động chưa hiệu quả, công tác quảng bá sản phẩm gặp nhiều hạn chế. Cơ chế chính sách về phát triển dược liệu chưa đồng bộ để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng dược liệu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất giống, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc… chưa được quan tâm đầu tư đủ mạnh.
Để phát triển chương trình dược liệu trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Hà Giang cho rằng, cần có các giải pháp, cơ chế về trồng dược liệu dưới tán rừng, giúp các nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận với quỹ đất.
Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn. Nhất là những đơn vị đầu tư theo chuỗi từ trồng đến chế biến, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm thuốc từ dược liệu.
Tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng dược liệu, theo hướng vừa đào tạo vừa thực hành trồng thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
Đồng thời, triển khai hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang, kết nối với các doanh nghiệp, HTX trồng, sản xuất chế biến, kinh doanh dược liệu trong cả nước để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm dược liệu của tỉnh.
Minh Trang