Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên mặt nước thủy điện Sông Lô 4 ở xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân trong xã.
Starup nuôi cá thành công
Nghề nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô vài năm gần đây khá phát triển. Bình quân, mỗi lồng cá Chiên nuôi một năm cho lãi khoảng 35 – 40 triệu đồng. Nghề nuôi cá lồng trên mặt nước không phải thuê đất, đầu tư ít, ít rủi ro, thị trường rộng lớn, nhu cầu sử dụng cá đặc sản ngày một nâng lên. Anh Thu, thôn Bản Tân, một trong những hộ nuôi cá lồng hiệu quả chia sẻ, từ nuôi cá gia đình anh đã có cuộc sống ấm no hơn.
Không chỉ cá nhân người dân ở đó nuôi, mô hình khởi nghiệp của HTX Thanh niên Huỳnh Minh với hai chàng trai trẻ mới ra trường: Trần Tuấn Minh 25 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế tài chính và Phạm Thế Huỳnh với tấm bằng Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đang là điểm sáng trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín với đa dạng vật nuôi. Dưới mặt nước là nuôi cá, trên mặt đất, diện tích khoảng 1 ha, HTX xây dựng chuồng trại nuôi gia cầm, thuỷ cầm, xây bể nuôi giun quế.
HTX Huỳnh Minh đã tận dụng được lợi thế thuỷ điện Sông Lô nuôi cá lồng bè thành công (Ảnh: TL) |
Cả 2 gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết, tâm sự, khởi nghiệp vốn rất khó đối với tuổi trẻ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vừa là “đối thủ”, vừa là “thước đo” của ý chí sáng tạo, sức trẻ. Cả Minh và Huỳnh đều khởi nghiệp bằng nguồn vốn đầu tư của 2 gia đình và 7 thành viên góp lại được trên 300 triệu đồng với tổng diện tích trên 6.000 m2 đất và hàng ngàn m2 thuộc vùng ngập nước của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4.
Tất cả các sản phẩm nuôi, trồng của HTX đều là những sản phẩm hữu cơ an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Sau hơn 1 năm triển khai sản xuất, các sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng cả nước biết đến và đánh giá cao. Hiện nay, HTX đang tiếp tục mở rộng cả quy mô lẫn các loại hình nuôi, trồng để tạo ra các sản phẩm sạch, đa dạng, nhiều chủng loại cung cấp cho thị trường đòi hỏi ngày một khắt khe.
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ trong vùng lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4 đang là hướng đi mới đầy tiềm năng, việc làm của HTX Huỳnh Minh không mới, nhưng cách làm lại rất mới ở xã vùng 3 Tân Thành...
Đảng bộ, chính quyền xã đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để thúc đẩy tuổi trẻ mạnh dạn đi đầu trong các phong trào tạo dựng cơ nghiệp dựa trên tiềm năng sẵn có ở địa phương. Hiện, trên lòng hồ Thủy điện Sông Lô 4 đã có 6 bè nuôi cá, với hàng trăm lồng nuôi trồng thủy sản đặc sản của xã Tân Thành; hứa hẹn cung cấp ra thị trường những sản phẩm hữu cơ tốt nhất cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Phát huy thế mạnh đặc sản vùng
Theo đại diện lãnh đạo xã Tân Thành, lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4 đang tạo ra lợi thế để Tân Thành huy động nguồn lực trong dân phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Mục tiêu của xã là thành lập một làng nghề nuôi cá lồng trên mặt hồ thuỷ điện kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp sạch gắn với xây dựng Nông thôn mới trong tương lai không xa. Thời gian gần đây, xã nhận được rất nhiều đơn đề nghị từ các hộ dân xin đặt lồng xuống lòng hồ, mở rộng nghề nuôi cá, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ngoài nuôi cá lồng bè, xã Tân Thành cũng đang chuyển dịch cơ cấu các cây đặc sản có thế mạnh như chè, thảo quả, cam sành từ VietGAP sang trồng theo phương pháp hữu cơ 100%.
Từ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các HTX và người dân ở Tân Thành đã tạo ra sinh kế, giúp xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Năm qua, việc chế biến chè đặc sản Nậm Am 100% hữu cơ cũng được Đảng bộ xã quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Theo đó, trên trăm ha chè Nậm Am mọc ở triền núi thuộc khu vực rừng già có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển sẽ được bảo quản và thu hái tự nhiên. Các phương pháp chế biến tại chỗ được làm theo cách truyền thống mang tính độc đáo riêng của đồng bào Dao đỏ. Cơ sở thu mua, chế biến, cung cấp chè hữu cơ Nậm Am Vĩnh Sính là cơ sở duy nhất đăng ký thương hiệu, chế biến và cung cấp độc quyền đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến cây thảo quả tại thôn Phìn Hồ, đã mang đến lợi ích to lớn trong cộng đồng dân cư. Với diện tích trên 340 ha, mỗi năm thảo quả góp phần xoá nghèo cho hàng chục hộ đồng bào, thảo quả cũng được chế biến thành nhiều loại sản phẩm như làm thuốc, ngâm chua, chế biến thức ăn…
Người dân các thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3, cho biết, giữ rừng, trồng thảo quả đã, đang mở ra cho họ nhiều sinh kế, tới đây sẽ là du lịch khám khá, nghỉ dưỡng trên đỉnh phù tang mây bay Phìn Hồ. Ngoài ra, địa phương còn một số thế mạnh khác như cam sành, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm...
Lãnh đạo xã Tân Thành chia sẻ, chính quyền xã tạo mọi điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các cơ chế, chính sách khác để phát triển sản xuất, chăn nuôi đại gia súc hàng hóa.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác và các HTX liên kết cùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng đến, thành lập các chuỗi giá trị từ sản xuất sạch, phân phối đến tay người tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ… Những hướng đi, cách làm mới đã, đang làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế tại xã Tân Thành, thay đổi bộ mặt nông thôn mới, giúp người dân xoá đói giảm nghèo.
Minh Trang