Làng nghề nước mắm Tam Thanh là một trong những thương hiệu nước mắm thơm ngon nổi tiếng được công nhận làng nghề truyền thống năm 2018. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng với cách thức chế biến truyền thống, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên nước mắm Tam Thanh luôn được thị trường đón nhận bởi hương vị thơm ngon, đậm đà, giữ được hương vị truyền thống đặc trưng.
Giải quyết việc làm cho người dân địa phương
Bà Kiều Thị Ngọc Loan (44 tuổi, ở thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh) cho biết, hiện cả làng có hơn 40 cơ sở nhỏ lẻ. Nguyên liệu để tạo nên nước mắm là cá cơm, sau khi thu mua tại biển Tam Thanh về thì được đưa vào vại muối với công thức riêng là 2kg cá - 1kg muối.
“Nước mắm sau khi được lọc cặn bã xong thì có thể mang lên TP Tam Kỳ để bỏ cho các nhà hàng với giá 50.000 đồng/lít. Bên cạnh đó cũng có nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi đến tận cơ sở để thu mua. Nhờ giữ nghề này mà gia đình tôi có thể cho các con đi học đến nơi đến chốn, đồng thời cũng giữ nghề truyền thống của cha ông”, bà Loan cho biết thêm.
Trải qua bao thăng trầm, làng nghề nước mắm Tam Thanh đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ (Ảnh: TL) |
Đến với cơ sở của gia đình bà Trần Thị Ngọc Lan (55 tuổi), những vại muối cá cơm đang được đem ra để chắt lọc. “Cá cơm sau khi được đưa vào vại muối khoảng 10 - 12 tháng, thì có thể chắt lọc những giọt nước mắm đầu tiên để bán. Khi thời gian trôi về những ngày cuối năm, công việc sản xuất nước mắm cũng bận rộn hơn, cùng với đó đã có rất nhiều thương lái tới đặt hàng thu mua từ cả một tháng trước”, bà Lan cho hay.
Theo chi sẻ của bà Lan, có thời điểm nhiều cơ sở làm nước mắm ở đây đã nghĩ đến chuyện đóng cửa. Lý do bởi nguyên liệu cá cơm khan hiếm, thị trường đầu ra không ổn định, lại bị các thương hiệu nước mắm có tên tuổi cạnh tranh gay gắt.
Thêm vào đó, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu và cách làm còn manh mún, nhỏ lẻ đã khiến nhiều người làm nghề nước mắm truyền thống phập phồng lo sợ. Họ sợ rằng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống sẽ bị mai một và mất hẳn.
“Từ năm 2010 đến nay, làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh bắt đầu hồi sinh và phát triển trở lại. Với cách thức chế biến truyền thống, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên nước mắm Tam Thanh dần được thị trường đón nhận bởi hương vị thơm ngon, đậm đà. Hiện giờ nước mắm ở làng tôi bán rất chạy, cứ đến cuối năm dù giá cao đến mấy cũng không có hàng mà bán”, bà Lan chia sẻ thêm.
Có thể thấy, làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh đang dần được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Cũng chính nhờ đó nhiều hộ dân tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời cũng giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hướng đi mới
Trong số 40 hộ chế biến nước mắm làng Tam Thanh có 2 HTX sản xuất nước mắm với 16 thành viên. Hình thức sản xuất, chế biến theo quy trình thủ công truyền thống, không sử dụng bất cứ chất bảo quản hay chất phụ gia nào.
Nước mắm Tam Thanh được chọn để triển khai chương trình OCOP (Ảnh: TL) |
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xã Tam Thanh đã chọn sản phẩm nước mắm để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với quyết tâm mở ra hướng đi mới nhằm lưu giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống.
Trong năm 2019, sản phẩm nước mắm Tam Thanh của HTX nước mắm Tam Thanh tham gia sản phẩm OCOP và được tỉnh đánh giá sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Được biết, sản lượng nước mắm tiêu thụ trong năm 2019 đạt gần 240.000 lít.
Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng nước mắm đưa ra thị trường tiêu thụ tăng cao hơn so với các năm trước, trung bình mỗi hộ chế biến từ 700 - 800 lít, một số hộ có thương hiệu được nhiều khách hàng đặt mua thì lượng tiêu thụ lên tới 2.000 lít.
Chị Trần Thị Ngọc Lan - Giám đốc HTX Ngọc Lan chia sẻ: "Để tạo ra nước mắm ngon đầu tiên phải chọn cá tươi, đều, vừa, không to quá cũng không nhỏ quá, sau đó phải chọn muối. Muối chọn hạt vừa, trắng, sạch thì nước mắm mới ngon rồi trộn đều với muối sau đó ủ vào chum, thời gian ủ từ 10 - 12 tháng sẽ chuyển qua màu cánh gián thì khi ấy những mẻ mắm đầu tiên sẽ được mang ra chắt lọc và đưa vào chai thủy tinh loại chai từ 350 - 500ml, rồi cho vào máy đóng nắp và đưa vào đi tiêu thụ trên thị trường".
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở Ngọc Lan sản xuất khoảng 200 lít nước mắm, tính trung bình giá bán 65.000 đồng/500ml. Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, cơ sở Ngọc Lan cũng như nhiều hộ khác tại Tam Thanh còn có các sản phẩm như: mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá - mực khô các loại.
Năm 2020, nước mắm Ngọc Lan của HTX Ngọc Lan được lựa chọn để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của TP Tam Kỳ.
Nhật Nam