Quả na La Hiên đang là sản phẩm chủ lực mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân huyện Võ Nhai (Ảnh Tư liệu) |
Qua na giúp thay đổi cuộc sống
Võ Nhai là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên.Trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 huyện định hướng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất tập trung.
Toàn huyện Võ Nhai hiện có trên 1.500 ha cây ăn quả, trong đó một số sản phẩm cho hiệu quả kinh tế vượt trội, tạo sinh kế bềnh vững, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân như: na La Hiên, bưởi Tràng Xá, ổi Phú Thượng, cam Vinh Lâu Thượng…
Theo UBND huyện Võ Nhai, vùng trồng na ở 2 xã La Hiên và Lâu Thượng cho thu nhập 380 - 400 triệu đồng/ha/năm, vùng chuyên canh bưởi Tràng Xá cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, vùng trồng ổi, dứa tập trung tại xã Phú Thượng đạt khoảng 400 - 500 triệu/ha/năm.
Quả na La Hiên (xã La Hiên) hơn 10 năm qua là một trong những sản phẩm kinh tế chủ lực của huyện. Hiện, tổng diện tích na của xã La Hiên lên tới hơn 200 ha, với gần 700 hộ phát triển mô hình.
Đặc biệt, với sự hình thành và phát triển của HTX La Hiên, quả na đang có những đóng góp tích cực vào quá trình xoá đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Đại diện HTX La Hiên cho biết, HTX đang có tổng diện tích hơn 2,2 ha trồng na. Những năm qua, dù thời tiết diễn biến phức tạp, song các khu vực trồng na của HTX vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, na có vỏ mỏng, thịt dày và ít hạt, hình thức đẹp.
Với giá bán trung bình 35.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu bình quân của HTX ước đạt 1 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập ổn định giúp thành viên HTX ổn định cuộc sống, tất cả các hộ đều đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, có của ăn của để.
Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, kể từ tháng 7/2018 HTX đã hoàn thành các thủ tục để dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh trồng na, khoảng 2,3 ha diện tích còn lại đang được HTX trồng các loại cây ăn quả khác như cam, bưởi…Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, các loại cây đều đang cho giá trị kinh tế ổn định, trở thành điểm tựa làm giàu của thành viên HTX.
Cây dược liệu cũng là sản phẩm thế mạnh đang được huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng (Ảnh TL) |
Mở rộng các cây trồng dược liệu
Dược liệu cũng đang là cây trồng chủ lực được ngành nông nghiệp huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng để nâng cao giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, mở hướng làm giàu bền vững cho người dân.
Một số vùng hiện đang trồng dược liệu tập trung hiệu quả cao được hình thành trên địa bàn huyện có thể kể đến HTX Thịnh Vượng (xã Nghinh Tường), HTX Dược liệu (xã Cúc Đường)...
HTX Thịnh Vượng đang triển khai các giống cây dược liệu như đinh lăng, ba kích, cát sâm, hà thủ ô, thảo quả...Trong đó, cây ba kích đã cho thu hoạch ước tính lợi nhuận lên đến gần 3 tỷ đồng/ha.
Hưởng nhiều lợi ích từ khi tham gia vào HTX Thịnh Vượng, anh Hoàng Đức Long chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi ôm cái nghèo cùng cây lúa suốt nhiều năm. Phải đến năm 2018, khi vào HTX, được hướng dẫn trồng dược liệu, cuộc sống của gia đình tôi mới bắt đầu khởi sắc, tự chủ về kinh tế”.
Hiện tại, HTX Thịnh Vượng tạo việc làm ổn định cho 30 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, HTX còn giúp đỡ 5 hộ đặc biệt khó khăn, 5 hộ nghèo và 20 lao động trong vùng có vốn, giống, kỹ thuật, để tự thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo UBND huyện Võ Nhai, trong giai đoạn tới, để nâng cao thu nhập, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô 300 - 500ha, vùng sản xuất chè tập trung với quy mô 600 - 1.000 ha, vùng sản xuất rau, quả với quy mô từ 1.000 - 1.500ha, vùng sản xuất cây dược liệu tập trung dưới tán rừng với quy mô 500 - 1.000ha, vùng trồng cây gỗ lớn với quy mô 4.000 - 5.000ha…
Đồng thời, huyện có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển từ 1 - 2 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với vùng sản xuất tập trung.
Hưng Nguyên