HTX thành công nhờ sản xuất an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật (Ảnh Tư liệu) |
Chú trọng sản xuất an toàn
Sau nhiều năm gặp khó khăn với mô hình độc canh cây lúa cho hiệu quả thấp, tháng 12/2018, 6 hộ dân ở khu Liên An Nhân đã liên kết, góp vốn thành lập HTX Thủy sản cá lúa thị trấn Tứ Kỳ.
Để phát triển trên quy mô lớn, HTX thuê lại hơn 30 ha ruộng bỏ hoang của 600 hộ dân trên địa bàn để tổ chức sản xuất một vụ lúa, thả một vụ cá trong năm.
Sau quá trình cải tạo đất, chia khu sản xuất khoa học, HTX mua 4 tấn cá giống về thả. Ngay trong lứa đầu tiên, kéo dài hơn 6 tháng, HTX xuất bán gần 63 tấn cá các loại, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Sau khi thu hoạch cá xong, HTX lại gạn nước, trồng giống lúa ngắn ngày.
Ông Trần Văn Thuận, Giám đốc HTX thủy sản cá lúa thị trấn Tứ Kỳ, cho biết một trong những "bí quyết" mang lại thành công cho HTX chính là việc chú trọng công tác ATLĐ.
Theo ông Thuận, môi trường và điều kiện lao động của ngành nuôi trồng thủy sản là lao động thủ công nặng nhọc, làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc, ngâm mình trong nước, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như vôi, Chlorine, Formol... hay các loại khí độc hại như H2S, NH3, CH4... gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động.
Ngoài ra, những người nuôi trồng thủy sản thường mắc một số bệnh phổ biến chiếm một tỷ lệ khá cao theo thứ tự là các bệnh về da, bệnh phụ khoa, bệnh xương khớp, bệnh viêm phổi, bệnh tim mạch...
Vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã tổ chức tập huấn kiến thức về ATLĐ, các yếu tố độc hại trong môi trường làm việc cho các hộ thành viên.Trang bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được hướng dẫn sử dụng các loại máy móc, thiết bị (máy bơm nước, đèn thắp sáng, máy tạo ô xy…), vận hành lưới điện đúng cách, nhằm đảm bảo ATLĐ.
HTX cũng thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tham gia nuôi trồng thủy sản để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Không chỉ giúp thành viên làm giàu, HTX đang tạo việc làm cho 8 lao động địa phương (Ảnh TL) |
Hiệu quả được nâng cao
Bên cạnh chú trọng sản xuất an toàn, HTX cũng cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, sản xuất của huyện, tỉnh. Tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình HTX cá lúa hiệu quả tại nhiều địa phương khác. Tích cực kết nối với doanh nghiệp, thương lái để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Kết quả, tính đến hết quý I/2020 HTX đã triển khai được 1 vụ lúa, 2 vụ cá, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho các thành viên. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tận dụng diện tích đất trên bờ ruộng, các thành viên HTX nuôi thêm 6.000 con vịt.
“Sản xuất an toàn, khoa học cùng mức thu nhập ổn định giúp nhiều hộ thành viên HTX vươn lên khá giả. Đặc biệt, sức khỏe của người sản xuất ngày càng được nâng lên bởi các loại bệnh nghề nghiệp giảm, các tai nạn đáng tiếc do điện giật, máy móc gây ra không còn”, Giám đốc Trần Văn Thuận nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, thị trấn Tứ Kỳ hiện có hơn 200 ha đất nông nghiệp. Trước đây, vì đồng ruộng không mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người bỏ ruộng, diện tích ruộng bỏ hoang có thời điểm lên tới hơn 40 ha.
Để khắc phục tình trạng trên, thị trấn đã tạo điều kiện cho các hộ dân có nguyện vọng mượn đất, thuê đất để phát triển sản xuất. Năm 2019, địa phương đăng ký chương trình phục hóa ruộng hoang, hỗ trợ cho người dân thuốc trừ sâu, diệt cỏ…Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp cùng sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác nên hiện tại địa phương chỉ còn 4 ha ruộng hoang.
Với những thành công sau gần 2 năm hoạt động, HTX thủy sản cá lúa thị trấn Tứ Kỳ không chỉ góp phần xóa ruộng hoang mà còn là mô hình mới mang lại hiệu quả cao, giúp người dân gắn bó với đồng ruộng.
Hưng Nguyên