Thấy vùng đất Minh Hưng trù phú, màu mỡ lại gần sông Lấp, thích hợp cho cây ăn trái nên ông Hùng đã chọn nơi này để định cư. Với nguồn vốn chỉ 1 ha đất canh tác, cộng với yêu thích hương vị thơm nồng của sầu riêng và có kinh nghiệm trồng cây ăn trái từ khi còn ở quê nên ông Hùng chọn trồng loại cây này để thử nghiệm.
Thu nhập 500 triệu đồng/ha
Qua thời gian trồng, chăm sóc, ông Hùng nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với loài cây này nên tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất lên 10 ha sầu riêng J6 và Thái Lan.
Đến thời điểm trái sầu riêng cho thu hoạch, giá bán trên thị trường khoảng 40 - 45 ngàn đồng/kg, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho ông Hùng sau 1 năm vất vả chăm sóc. Mỗi ha sầu riêng 6 - 10 năm tuổi có thể cho 10 - 12 tấn trái/vụ.
Như vậy, mỗi ha sầu riêng cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Đặc biệt sầu riêng J6 cho trái rất sớm, cơm vàng, nên thị trường rất ưa chuộng. Đây cũng là lý do chính khiến ông Hùng chọn giống này để “đón đầu thời vụ”.
Để cây sầu riêng phát triển tốt, khi trồng, ông Hùng tạo nhiều hệ thống thoát nước để tránh cây bị úng. Mỗi hố đất cần bón lót khoảng nửa ký phân chuồng, các loại lá hoai mục hay phân vi sinh để tạo đất tơi xốp, kích thích rễ phát triển. Khi cây đã bén rễ ra đất, pha 1 muỗng canh phân NPK 20-20-15 trong thùng 10 lít nước tưới đều cho mỗi gốc, định kỳ hai tháng tưới một lần, kết hợp dùng thêm phân bón qua lá, thuốc trừ sâu, rầy bệnh nhằm giúp cây phát triển khỏe mạnh.
Đến lúc cây đã được 2 năm tuổi, ông Hùng bắt đầu dùng phân bón gốc, chia làm 4 lần bón trong năm, mỗi lần bón 250g NPK 20-20-15/cây vào các đợt đọt đã già lá. Để tiện cho việc tưới nước, ông Hùng xây dựng một hệ thống tưới nước nhỏ giọt rồi phân bố péc cho từng gốc cây. Cách làm này giúp cho cây đủ nguồn nước tưới ổn định và có thể điều hòa được nguồn nước hợp lý.
Nhờ biết cách chăm sóc nên vườn sầu riêng của ông Hùng luôn đạt năng suất cao. Thành công từ cây sầu riêng, ông Hùng cùng với nhiều hộ nông dân khác ở xã Minh Hưng thành lập HTX Cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng. Với cương vị Giám đốc HTX, ông Hùng trăn trở: “Làm sao để sản phẩm của người nông dân Minh Hưng và vùng lân cận làm ra có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như tạo dựng thương hiệu là điều mà tôi cũng như các thành viên trong ban giám đốc HTX đang hướng đến”.
![]() |
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Ngọc Hùng |
Xây dựng thương hiệu
Trước khi bén duyên với cây sầu riêng, ông Hùng là thương lái buôn gạo từ miền Tây đến tất cả các tỉnh miền Đông. Chính nghề buôn đã giúp ông bén duyên với vùng đất Bình Phước rồi dấn thân vào nghề trồng sầu riêng.
Ông cho biết, chất lượng trái sầu riêng của Bình Phước không thua kém bất kỳ tỉnh nào trong khu vực. So với miền Tây thì sầu riêng của Bình Phước thơm ngon hơn, so với các tỉnh Tây Nguyên thì sầu riêng Bình Phước chín sớm hơn, nên thường được giá. Khí hậu Bình Phước lại ôn hòa, không bão lũ nên tránh được tình trạng cây gãy đổ, ngập úng.
“Nếu trồng cây ăn trái ở Bình Phước mà không giàu được thì nhà nông không thể làm giàu ở đâu được. Hai yếu tố tối quan trọng cho cây ăn trái là khí hậu, thổ nhưỡng và không ở đâu lý tưởng hơn Bình Phước. Chỉ có điều nông dân chúng tôi đang còn khó khăn đầu ra, nhất là việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng chưa biết bắt đầu từ đâu, như thế nào”, ông Hùng chia sẻ.
Theo kỹ sư Huỳnh Văn Tấn - Trưởng trại thực nghiệm thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam: Để tìm đầu ra cho cây ăn trái, không có giải pháp nào tốt hơn nếu Bình Phước xây dựng được thương hiệu cho từng loại cây trồng. Đặc biệt, Bình Phước là tỉnh nông nghiệp đã và đang xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác cây ăn trái, đây cũng là lợi thế để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên kết với các HTX xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản không chỉ giúp người dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu - ông Dương Văn Thường, cho rằng: Do không hiểu được chất đất cho từng loại cây trồng mà người dân cứ mãi loay hoay với việc hết trồng rồi chặt, hết chặt lại trồng là vậy. Do vậy, công tác quản lý nhà nước phải tính lại, phải có quy hoạch, phải có chế tài đối với từng vùng đất, từng loại cây trồng đi kèm với tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên trồng cây gì trên loại đất nào. Chừng nào làm được như thế chúng ta mới tính đến việc xây dựng thương hiệu. Bởi thương hiệu cho cây ăn trái phải gắn liền với vùng chuyên canh, gắn với quy trình sản xuất, sản lượng và chất lượng một cách ổn định.
Hoàng Lê